Triển lãm Duy Nhất lần thứ hai vẫn được tiến hành vào ngày 8/12/1944 với sự có mặt của Toàn quyền Decoux, được tờ Trung Bắc nhận xét: “Trong gian phòng rộng rãi, trang hoàng giản dị, những ánh đèn điện nhẹ tỏa ánh sáng vào mấy trăm bức tranh, vẽ đủ lối, đủ màu sắc, người ta có cảm giác như bước chân vào một khu vườn có hoa trăm thứ đang đua nhau... Những nghệ sĩ Việt Nam, dìu dắt bởi những ông thầy Tây phương, dùng tài hoa của mình để đón lấy những bông hoa đẹp của trời Tây, đem hương sắc trời Tây mà tô điểm cho cảnh vật nước nhà, quả đã gần đi đến đích. (1)
Văn Cao vốn theo học dự thính tại trường Mỹ thuật, tham dự triển lãm với ba bức, trong đó một bức được Tạ Tỵ cho biết có tên là Cuộc khiêu vũ của những người tự tử (Le Bal aux suicides), “đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc”. (2)
Một bài báo đã dành một phần ca ngợi “đặc sắc của Văn Cao, nhà họa sĩ trẻ tuổi nơi đồng chua nước mặn”: Ông đã hoàn toàn phơi bày bản ngã trên tác phẩm: màu xanh đỏ ở đây cho ta biết nhiều khi giữa Thơ và Hội họa không còn biên giới nữa.
Có người bảo tôi rằng Văn Cao là một cây cỏ dại trong giới sơn dầu, nhưng chúng ta không ngạc nhiên vì loài thông rừng thường khỏe và nhiều nhựa, vả lại, nếu điều tra, sẽ thấy hơn một họa sĩ tốt nghiệp hiện đang làm thầu khoán hay đi buôn.
Nét bút thực ra kém điêu luyện, nhưng “sống” vì có rất nhiều tâm hồn. Giữa hai con đường, chỉ có thể chọn một, ông đã tìm lối đi hợp với mình nhất.
Bức “Cuộc khiêu vũ của bọn chán đời” là một thành công đáng cổ võ và một đầu đề mới. Ở đây, phảng phất không khí của cái Montmartre nhiều thiên tài và hỗn loạn. Bọn nhạc công - hăng hái gần như điên rồ - điều khiển một vũ khúc đỏ rực làm tôi nhớ đến những thầy phù thủy ma quái, đến lũ kép hát (ồ, đây chỉ là một liên tưởng!) trong những đêm I-pha-nho của Goya... Còn người đầm, ngồi ở góc phòng, mặt võ vàng, mắt quầng sâu, vì đã nhảy và qua nhiều đêm trắng, rất có thể là một nhân vật tiểu thuyết của Daniel Rops hay Fr. Mauriac...(3)
Văn Cao trong những năm đầu kháng chiến, khi đó ông 23 hoặc 24 tuổi. Ảnh: Trần Văn Lưu. |
Bài viết trên gián tiếp gợi ý vào lúc đó Văn Cao được biết đến như một họa sĩ và thi sĩ hơn là một nhạc sĩ, đồng thời ghi nhận ấn tượng mạnh mẽ về chủ đề hội họa. Tuy vậy, Văn Cao không bán được bức nào:
Sau triển lãm Duy Nhất 1944 (Salon Unique), tôi về ở một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn đầu của tôi tuy được trưng bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh - nhà Khai Trí Tiến Đức - và được các báo giới thiệu, cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống bằng hội họa, tại Hà Nội không thể thực hiện được. Anh bạn nhường cho tôi căn gác ấy là người đã xuất bản mấy bản nhạc đầu tiên của tôi cũng không thấy nói đến tiền nhuận bút. Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn. ...
Hàng ngày tôi nhờ mấy họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Cuộc sống lang thang ấy không thể kéo dài nhiều ngày. Muốn tìm việc làm thì không có chỗ. Hà Nội lúc ấy lại đang đói. Năm ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ mặc nguyên quần áo. Có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu. (4)
Đó là thời điểm nạn đói diễn ra trên đường phố Hà Nội và Văn Cao bắt đầu viết những bài hát cho Việt Minh. Mất mùa do lũ lụt diễn ra vào giữa năm và thóc miền Nam không chuyển ra được đã đẩy tình cảnh của người dân miền Bắc đến chỗ thê thảm. Những bức tranh và triển lãm không đem lại vật chất cho người tham dự như Văn Cao. Tình hình khó khăn trong đời sống kinh tế đã diễn ra từ đầu chiến tranh, do chính sách yếu kém của chính quyền thuộc địa.
--------------------
1. Nhất Tâm, “Phòng Triển lãm Duy Nhất 1944”, Trung Bắc tân văn 233 24-12-1944.
2. Tạ Tỵ, “Văn Cao - một tinh cầu giá lạnh”, Mười khuôn mặt văn nghệ. Xem thêm Vũ Bằng, “Văn Cao: Một nghệ sĩ tài hoa, có hai đầu mà không nói được”, đăng lại trong Âm nhạc số 3-4-5, 1994. Hai người đều viết là triển lãm 1943.
3. Lân Hồ (12-1944), “Những tranh của một mùa đông cũ”, Gió mới 35, 9-8-1946:
4. Văn Cao, “Tôi viết Tiến quân ca”, Một chặng đường văn hóa, Nxb. Tác phẩm mới, 1985: 109-113. Có thể kết luận Tạ Tỵ và Vũ Bằng đã nhầm là triển lãm năm 1943.