Cơ hội được tái cấp vốn
Trả lời trước báo giới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng thành viên VAMC cho biết, tiếp sau hợp đồng giao dịch mua nợ với Agribank, trong tuần này, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ xấu của 3 ngân hàng là SHB, SCB và PGBank với trị giá nợ xấu lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, mục tiêu 2 tháng tới VAMC sẽ mua nợ xấu của 10 ngân hàng khác với tổng giá trị nợ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Theo quy định, VAMC sẽ ưu tiên mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có nợ xấu trên 3%. Sau quá trình thẩm định, VAMC sẽ tiến hành mua các khoản nợ xấu của các TCTD qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB), các TCTD sau khi bán nợ cho VAMC có thể dùng TPĐB để thế chấp với Ngân hàng Nhà nước vay lại 70% giá trị TPĐB. Lãi suất cho các TCTD thông qua việc tái cấp vốn bằng TPĐB đang được đề xuất tối thiểu là 2%, nhưng phải thấp hơn mặt bằng lãi suất tín dụng thông thường.
VAMC đã mua lại 27 khoản nợ xấu của Agribank với giá 1.723 tỷ đồng |
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc VMAC mua lại nợ xấu của các TCTD trong thời điểm này là giải pháp đúng đắn để cứu nguy cho các ngân hàng thương mại đang thiếu vốn và chịu sức ép từ nợ xấu. Các ngân hàng thương mại sẽ dùng TPĐB từ VAMC để được tái cấp vốn, phối hợp trích lập dự phòng mỗi năm 20% cho VAMC để xử lý nợ. Đây được coi là cơ hội quý để các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, làm sạch nợ và củng cố lại hệ thống tài chính của mình.
Đừng để nợ xấu quay về
Dù việc mua bán nợ xấu đã được ký kết, dù VAMC cam kết sẽ cùng các TCTD cơ cấu lại nợ, làm sạch nợ, nhưng thực chất đây cũng mới chỉ là hình thức chuyển giao nợ có thời hạn từ các TCTD sang VAMC. Bởi theo quy định, nếu sau 5 năm, VAMC vẫn không giải quyết được khối tài sản thế chấp, tín chấp, thì VAMC lại có quyền trả lại khoản nợ xấu đã mua cho các TCTD. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời điểm hiện tại, khi các tài sản định giá, nhất là bất động sản và hàng tồn kho không dễ chuyển đổi và thu hồi vốn, thì đầu ra cho các khoản nợ xấu từ VAMC cũng không dễ giải quyết. “Bán nợ xấu thì dễ, để nợ xấu biến mất mới khó”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện tại tỷ lệ cho vay trong hệ thống liên ngân hàng của Việt Nam đã lên tới 100% số tiền huy động, quỹ trích lập dự phòng rủi ro Quốc gia cũng đã cạn, thì rất nhiều ngân hàng thương mại thực sự không có khả năng hồi sinh, họ bán nợ xấu cho VAMC với mong muốn VAMC sẽ giúp họ thu hồi được vốn từ các khách hàng không có khả năng hoàn nợ, chứ họ không muốn sau 5 năm các khoản nợ xấu lại trở về với mình.
“Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là việc VAMC mua nợ xấu của ai, với giá như thế nào, mà điều các TCTD bán nợ quan tâm là sau khi mua nợ của họ, VAMC sẽ xử lý các khoản nợ xấu thông qua tài sản thế chấp, tín chấp và khoản nợ xấu của các khách hàng doanh nghiệp như thế nào? Với các tài sản tín chấp, thế chấp không đủ cơ sở pháp lý để chuyển nhượng, giao dịch, thì khả năng “ế” là hoàn toàn có thể xảy ra. Và sau 5 năm quay vòng, khả năng các TCTD phải nhận lại món nợ xấu đã bán, cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Và với việc cam kết trích lập dự phòng mỗi năm 20% nợ xấu cho VAMC xử lý nợ, thì việc bán nợ xấu của các TCTD cũng chỉ giống vay vốn trả chậm với lãi suất cao, chỉ có thể giúp các TCTD làm sạch sổ sách, giành lại thế được vay, được tái cấp vốn trong khoảng thời gian 5 năm”, ông Bùi Kiến Thành phân tích.