Trong mỗi chuyến công du nước ngoài, các tổng thống Mỹ thường mang theo đoàn tháp tùng hùng hậu gồm các mật vụ, xe chuyên dụng, trực thăng. Số lượng phương tiện, thành viên đoàn tháp tùng có thể tăng giảm tùy thuộc vào tính chất của chuyến công du. Tuy nhiên, có một vật dụng luôn theo sát ông chủ Nhà Trắng cho dù ở bất kỳ đâu, đó chính là vali hạt nhân, còn được gọi là The Football.
Vali hạt nhân được vận chuyển như thế nào?
Theo Washington Post, vali hạt nhân được chế tạo bằng hợp kim titan siêu bền giúp bảo vệ các thiết bị bên trong an toàn trước những điều kiện bất lợi nhất. The Football có kích thước 45x35x25 cm, nặng khoảng 20 kg và được đựng bên trong một túi da màu đen đầy bí ẩn.
Vali hạt nhân được một phụ tá quân sự của tổng thống nắm giữ. Người này luôn ở cùng tổng thống Mỹ ở mọi nơi, dù ở Nhà Trắng, trên đoàn xe hộ tống, hay trên Air Force One khi đi công tác nước ngoài. Phụ tá quân sự đi cùng tổng thống trong thang máy, ở cùng tầng khách sạn và được bảo vệ cẩn thận bởi mật vụ.
Phụ tá quân sự này được xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi chung với tổng thống. Ông chủ Nhà Trắng ở đâu thì phụ tá quân sự mang theo vali hạt nhân sẽ ở đó. Người này được yêu cầu không ở quá xa tổng thống và sẵn sàng tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.
Khi tổng thống ngồi trên xe điện để di chuyển khi chơi golf, phụ tá quân sự sẽ ngồi trên một chiếc xe khác cách đó vài mét. Trong tháng 2, một vị khách của Tổng thống Donald Trump đã chụp bức ảnh phụ tá quân sự mang theo vali hạt nhân đứng gần Tổng thống Trump đang chơi golf ở khu nghỉ dưỡng Mar-a Lago và đăng lên Facebook.
Phụ tá quân sự của Tổng thống Reagan đứng cạnh vali hạt nhân ở Quảng trường Đỏ, Moscow. Ảnh: AP. |
Do tính chất đặc biệt quan trọng của chiếc vali hạt nhân, phụ tá quân sự phải dùng một sợi cáp để cố định chiếc vali vào tay của mình mỗi lúc cần phải đặt nó xuống đất, đặc biệt là nơi đông người. Một phụ tá của Tổng thống Ronald Reagan từng đặt vali hạt nhân xuống Quảng trường Đỏ trong chuyến thăm Moscow của tổng thống.
Viên phụ tá quân đội được lựa chọn nắm giữ vali hạt nhân cho tổng thống phải trải qua quá trình tuyển chọn rất khắt khe. Người này ngoài sự am hiểu sâu rộng về quy trình khởi động vũ khí hạt nhân để hỗ trợ tổng thống còn phải có lòng trung thành tuyệt đối.
Pete Metzger, một trong những phụ tá quân sự nắm giữ vali hạt nhân dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, nói với CNN: “Nắm giữ vali hạt nhân là một trách nhiệm đáng lo ngại. Khi làm nhiệm vụ, tôi cố gắng không nghĩ đến việc phải nhập mật khẩu nhưng luôn phải sẵn sàng để làm điều đó”.
Metzger cho biết thêm ông phải trải qua quá trình đánh giá tâm ly sâu rộng để xem có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ hay không. Mỗi phụ tá quân sự đều phải trải qua sự kiểm tra gắt gao của Lầu Năm Góc, Cơ quan Mật vụ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) trước khi được giao nhiệm vụ.
Mỗi nhiệm kỳ tổng thống có 3 chiếc vali hạt nhân, một chiếc luôn đi cùng với tổng thống khi rời Nhà Trắng, một vali khác chứa mã dự phòng dành cho phó tổng thống và một lưu trữ tại Nhà Trắng.
Bên trong vali hạt nhân có gì?
Những gì chứa đựng bên trong vali hạt nhân là một bí mật nhưng từ những tiết lộ của các phụ tá quân sự từng nắm giữ vali hạt nhân dưới thời các tổng thống Mỹ. Vali hạt nhân thực chất là một thiết bị liên lạc vệ tinh để xác nhận tư cách tổng tư lệnh quân đội của tổng thống trong các mệnh lệnh tấn công hạt nhân.
Bên trong vali hạt nhân luôn là một bí ẩn, nó chứa đựng quyền năng có thể hủy diệt cả thế giới. Ảnh: Wikipedia. |
Mỗi tổng thống được trao một chiếc thẻ nhựa được gọi là “biscuit”. Chiếc thẻ chứa mã xác nhận tư cách tổng tư lệnh quân đội của tổng thống. Ông chủ Nhà Trắng phải giữ chiếc thẻ bên cạnh mình 24/24, vì nếu không có nó, quy trình khởi động vũ khí hạt nhân sẽ không thực hiện được.
Một số nguồn tin nói rằng vali hạt nhân của Tổng thống Barack Obama sử dụng máy quét võng mạc thay cho thẻ nhựa chứa mã xác nhận. Tuy nhiên, James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng vali hạt nhân không có máy quét võng mạc hay nút bấm màu đỏ như nhiều người vẫn tưởng.
Ngoài ra, bên trong vali hạt nhân còn chứa danh sách các địa điểm tấn công đã được lên kế hoạch sẵn, còn gọi là OPLAN 8010, kèm theo mã phóng cho từng vũ khí cụ thể. Tổng thống có quyền lựa chọn điểm tấn công dựa trên sự tham mưu từ Bộ trưởng Quốc phòng. Một cuốn sách liệt kê các địa điểm trú an toàn cho tổng thống. Một cuốn sổ nhỏ dày 10 trang hướng dẫn cách vận hành hệ thống liên lạc khẩn cấp.
Vali hạt nhân ra đời dưới thời Tổng thống John F. Kennedy trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962. Tổng thống Kennedy lo ngại những phần tử cực đoan trong giới lãnh đạo Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Liên Xô mà không được sự chấp thuận của ông. Ngoài ra, JFK cũng muốn mình có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân chiến lược ở mọi nơi. Vali hạt nhân ra đời từ đó.