Mỗi ngày, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc marketing của BHD, đều theo dõi những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh và mong ngóng ngày rạp chiếu phim được mở lại. Ông từng kỳ vọng nhà rạp tái hoạt động vào đầu tháng 11 để kịp thời khắc phục những khó khăn chồng chất trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, đến ngày 10/11, TP.HCM vẫn chưa có động thái nào mới đối với thị trường phát hành phim. Việc không mở cửa cụm rạp tại TP.HCM ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống rạp chiếu phim trên cả nước. Bởi lẽ, đây là địa bàn chiếm số lượng lớn về cụm rạp cũng như tỷ lệ doanh thu hàng năm.
Vai trò quan trọng của cụm rạp tại TP.HCM
Theo thống kê của hệ thống rạp chiếu phim BHD, hiện doanh nghiệp này có tổng cộng 51 cụm rạp hoạt động tại TP.HCM, chiếm tỷ lệ 29,14%. Trong khi đó, Hà Nội có 36 rạp và các tỉnh thành khác trên cả nước là 92 rạp. Về tỷ lệ doanh thu, hệ thống cụm rạp tại TP.HCM chiếm gần 45%.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV cung cấp cho Zing số liệu đến thời điểm hiện tại, có 50 cụm rạp hoạt động tại TP.HCM trên tổng số 198 rạp của cả nước (gần 25%) và chiếm trên 40% về mặt doanh thu.
Riêng về điện ảnh Việt, năm 2019, TP.HCM chiếm khoảng 42% thị phần về doanh thu. Bước sang năm 2020, thị phần của thị trường điện ảnh sôi động nhất nước vẫn được giữ nguyên, còn thị phần các tỉnh đã tăng mạnh (các tỉnh phía Bắc tăng từ 9% lên 11% và thị phần các tỉnh phía Nam tăng từ 13% lên 17%).
Nhà rạp đối mặt với nhiều thách thức sau dịch. Ảnh: Chí Hùng. |
Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Minh, nếu như cụm rạp ở TP.HCM không tái hoạt động, các bộ phim bom tấn của Hollywood lẫn Việt Nam đều chưa được nhà phát hành công chiếu tại rạp ở các tỉnh. Vì thế, người dân ở các tỉnh bị thiệt thòi do chỉ được xem phim đã chiếu trong giai đoạn cuối tháng 4 đầu tháng 5 hoặc những phim nhỏ lẻ khác.
"Xem phim ở rạp từ lâu đã trở thành hoạt động giải trí thường xuyên của người dân TP.HCM. Là thành phố có mức GDP cao, cũng là nơi giao lưu, cập nhật thông tin nhiều với thế giới nên việc các tác phẩm điện ảnh được chấp nhận tại đây với doanh thu cao sẽ dễ dàng trở thành xu hướng lan ra khắp các tỉnh thành khác", Giám đốc marketing của BHD cho biết.
Ông Lê Hoàng Minh viện dẫn trường hợp của phim Bố già có doanh thu 400 tỷ đồng, khuynh đảo phòng vé dịp đầu năm nay.
"Nếu như trước đây, những phim có diễn viên miền Nam đóng như Bố già sẽ khó có doanh thu cao ở thị trường phía Bắc. Nhưng giờ đây, doanh thu của phim tại miền Bắc cũng như các tỉnh khác tăng trưởng rất khả quan", đại diện BHD trao đổi thêm.
Từ các số liệu trên cho thấy TP.HCM là địa bàn chiếm thị phần điện ảnh lớn nhất cả nước. Việc đóng cửa cụm rạp tại đây đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển của ngành phát hành phim nói riêng cũng như nền điện ảnh Việt nói chung.
Cơ cấu khán giả đến rạp thay đổi sau dịch
Theo đại diện BHD, dựa trên tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, cơ cấu khán giả đến rạp sau khi mở cửa trở lại sẽ có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm khách hàng gia đình cùng trẻ em dưới 12 tuổi không yên tâm ra rạp cho đến khi cả nhà đã được chích vaccine đầy đủ.
Nhóm khách hàng dưới 18 tuổi cũng sẽ hạn chế ra rạp nếu chưa được chích vaccine đủ 2 mũi. Ngoài ra, bộ phận lớn khách hàng là người dân ngoại tỉnh nhưng sống tại TP.HCM trước đây đã quay về địa phương, chưa thể trở lại rạp.
Cùng quan điểm, Giám đốc nội dung của CGV chia sẻ: "Tỷ lệ khán giả tiêm vaccine ở các tỉnh chưa nhiều. Tại các thành phố lớn, kế hoạch tiêm cho người dưới 18 tuổi cũng đang triển khai. Khán giả của rạp phim ở độ tuổi này khá đông đảo. Điều này sẽ khiến lượng khán giả đến rạp giảm hơn nữa".
Rạp phim tại TP.HCM trải qua hơn 6 tháng đóng cửa. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Số liệu từ BHD cho thấy do ảnh hưởng của dịch, lượng khán giả đến rạp giảm dần theo năm. Cụ thể, năm 2019, số lượng khán giả mua vé xem phim tăng trưởng nhẹ so với các năm trước. Tuy nhiên từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách năm 2020 giảm xuống gần 70% so với năm 2019.
Riêng năm 2021, do rạp phải đóng cửa vào tháng 2 (dịp Tết Nguyên đán) là thời gian cao điểm kinh doanh của ngành chiếu phim và tiếp tục không hoạt động từ đầu tháng 5 đến nay, lượng khách giảm còn 10% đến 15% so với năm 2019.
Ngoài ra, nhà rạp còn đối mặt với thách thức lớn đến từ tâm lý của khán giả. Kinh tế bị ảnh hưởng khiến họ cũng thận trọng, dè dặt trong việc chi tiêu cho các sản phẩm giải trí. Việc đến rạp xem phim sẽ được người dân cân nhắc, không dễ dàng chi hầu bao như trước.
Sau thách thức về khán giả, hệ thống rạp chiếu phim đối mặt với khó khăn khi một số phim bom tấn đã được phát hành trên nền tảng trực tuyến hoặc bị rò rỉ bản đẹp tại các web phim lậu. Điều này cũng là yếu tố khiến lượng khán giả đến rạp bị sụt giảm.
"Đối với phim Việt Nam, các nhà đầu tư, phát hành cũng thận trọng hơn. Các dự án phim mới thì chưa có kế hoạch quay lại. Những dự án phim đã quay hoặc đang làm hậu kỳ cũng đang cân nhắc thời gian ra rạp trong tình hình hiện nay, ít nhất phải đến Tết Nguyên đán 2022 mới có thể biết rõ hơn", ông Lê Hoàng Minh nhận định.
Mong ngóng ngày rạp phim mở cửa trở lại
Hơn ai hết, các nhà kinh doanh rạp là những người đầu tiên trông chờ ngày rạp chiếu phim tái hoạt động. Bà Mai Hoa, Tổng giám đốc Galaxy chia sẻ kể từ khoảnh khắc 18h ngày 3/5, rạp phim phải đóng cửa tại TP.HCM đến nay đã tròn 6 tháng. Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng người đứng đầu Galaxy đã cố gắng chèo chống. Mong muốn lớn nhất của bà Mai Hoa là nhà rạp được mở cửa trong thời gian sớm nhất.
"Giống như các khán giả khác, tôi có thể lựa chọn nhiều hình thức giải trí. Tôi biết có nhiều phim đã chiếu trực tuyến hoặc bị rò rỉ trên mạng. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng ngày được tận mắt chứng kiến phim được trình chiếu trên màn ảnh rộng", bà Mai Hoa bày tỏ.
BHD khử khuẩn rạp chiếu phim để đón khách trở lại. Ảnh: BHD. |
Đại diện BHD cũng cho rằng trong vài ngày tới, cơ sở điện ảnh mong sẽ nhận được những hỗ trợ cụ thể, đặc biệt hơn từ Chính phủ giống như nội dung đã đề cập trong công văn mà doanh nghiệp kinh doanh rạp đã kiến nghị trước đó.
"Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ sớm cho phép các cụm rạp hoạt động trở lại để giúp vượt qua khó khăn, duy trì được công ty. Thật sự nếu kéo dài thời gian ngưng hoạt động lâu hơn, hầu hết công ty kinh doanh rạp từ lớn đến nhỏ sẽ lâm vào nguy cơ phá sản hết", Giám đốc marketing của BHD chia sẻ.
Ông cho biết hiện tại, BHD đã chuẩn bị kỹ càng mọi phương án hoạt động, đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như sẵn sàng thực hiện theo bất cứ bộ tiêu chuẩn nào do cơ quan ban ngành đề ra để có thể hoạt động trở lại.