Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, đang cho kiểm tra lại thông tin vải Trung Quốc đang xuất ngược lại Việt Nam, bày bán tại các chợ biên giới như Tân Thanh, Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) với số lượng mỗi ngày lên đến gần chục tấn. "Nhưng theo tôi sự việc chỉ mang tính chất người qua lại mua mua với số lượng ít, thị trường hẹp, không phải mua bán phổ biến", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Vải Trung Quốc được bày bán ở Lạng Sơn. |
Mặc dù khẳng định đúng là có vải Trung Quốc trên thị trường nhưng ông Nghĩa cũng thừa nhận: "Tôi chưa nhìn thấy nó bao giờ vì nó chưa... phổ biến". Ông Nghĩa cũng thông tin, việc xuất khẩu vải của Việt Nam qua Trung Quốc tại các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn vẫn diễn ra bình thường. "Vì năm nay vải của Việt Nam được mùa nên số lượng có thể tăng lên gấp đôi. Từ đầu vụ đến giờ hoạt động xuất khẩu vẫn diễn ra tốt, có ngày xuất đi hơn 100 xe nhưng sẽ giảm dần về những cuối vụ", ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, theo phản ánh, vải Trung Quốc đang được bày bán tại các chợ tại Lạng Sơn, người dân biên giới sang chợ Pò Chài (Trung Quốc) mua rồi bán lại cho người dân địa phương và du khách. Điểm đặc biệt là quả vải Trung Quốc mặc dù có vị ngọt đạm sắc, nhiều người cảm thấy không hợp khẩu vị nhưng vẫn muốn mua về làm quà cho người thân hay bày bàn thờ ngày rằm, đầu tháng vì mẫu mã đẹp. Giá vải Trung Quốc giữ mức giá 7 Nhân dân tệ, tương đương 25.000 đồng/kg, cũng cao gấp đôi vải Việt Nam.
Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, Thượng uý Đặng Nam Cao xác nhận, từ một tháng nay, cư dân biên giới sang chợ Pò Chài (Trung Quốc) mang về mỗi người vài kg, sau đó bán lại cho người địa phương và du khách. Tại cổng chính chợ Tân Thanh, từng xe tải đỗ ven đường, bày bán vải thiều “made in China”, người mua khá đông.
Cơ quan chức năng bất ngờ... phạt?
Tình trạng sự việc đã diễn ra trong thời gian dài nhưng phải đến khi người dân, báo chí lên tiếng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mới vào cuộc đã diễn ra ở nhiều sự việc khác nhau.
Cụ thể, việc Trung Quốc thu mua các loại nông sản, mặc dù tình trạng Trung Quốc thu mua nông sản giá cao, không rõ mục đích đã diễn ra từ năm 2013 nhưng phải đến cuối tháng 3/2014, đại diện các Sở Công thương mới đưa ra văn bản cảnh báo.
Theo đó, việc thu mua cây culi đã điễn ra tại Nghệ An từ năm 2013 khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nhưng đến tháng 3/2014, báo cáo của ông Trần Đăng Ninh - Chi cục trưởng, chi cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An lại cho thấy, không có thương nhân Trung Quốc thu mua cây culi, hiện tượng trên diễn ra từ năm 2013.
Toàn bộ số gián đất, trứng gián, dụng cụ nuôi gián đất của công ty Hoàng Hiệp đã bị tiêu hủy vào ngày 20/3. Trong khi trước đó sở Kế hoạch Đầu tư đã cấp phép cho nuôi. |
Hay như trong vụ việc người dân nhân nuôi gián đất tại Bắc Ninh. Từ năm 2013, người dân đã nhập toàn bộ số gián đất từ Trung Quốc và có người Trung Quốc sang tận nơi hướng dẫn kỹ thuật và giúp nuôi. Thậm chí, vào khoảng tháng 9-10/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh chính là đơn vị đã cấp phép cho doanh nghiệp nhân nuôi gián đất, nội dung giấy phép cho phép doanh nghiệp "Chăn nuôi con gián đất".
Tuy nhiên, sau khi sở Nông nghiệp Bắc Ninh được sự chỉ đạo của UBND Bắc Ninh đã hỏi xin ý kiến của bộ Nông nghiệp, đến ngày 18/3, sau khi nhận được văn bản của bộ và chỉ đạo nóng của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, sở đã có văn bản trình lên UBND Bắc Binh. UBND Bắc Ninh đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ số gián đất đang nuôi tại các hộ dân. “Thực ra trong hướng dẫn doanh nghiệp được phép đăng ký côn trùng nhưng không chi tiết côn trùng nào được, côn trùng nào không nên anh em nghĩ vẫn có thể cấp được nhưng sau khi thấy ý kiến chỗ nọ chỗ kia không ổn nên cũng thu lại”, ông Ngô Tân Phượng - Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh nói.
Trong ngày 20/3, tại cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Đình Nguyên, ông đã tự nguyện tiêu hủy toàn bộ số gián đất bởi “không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế, đằng nào cũng là tiêu hủy thôi mà”, ông Nguyên nói.
Một vụ việc khác là việc nhân nuôi, nhập khẩu sâu gạo (superworm) mặc dù đã được du nhập vào Việt Nam gần 10 năm và trở nên phổ biến vào năm 2010 khi được nhân nuôi tại khu vực Trung và Nam Bộ nhưng đến tháng 4/2014 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) mới ra văn bản khẳng định việc nuôi sâu gạo là vi phạm pháp luật. Vị này còn thông tin thêm: "Sau khi đọc thông tin trên báo chí, chúng tôi đã đề nghị các địa phương có hộ dân nuôi sâu tiến hành xử phạt và tiêu huỷ”.