Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, tính đến giữa tháng 6/2020, gần 50 tấn vải đã được xuất khẩu sang Singapore từ cảng Hải Phòng và dự kiến đến hết mùa vải, tổng giá trị xuất khẩu có thể đạt 100 tấn.
Năm 2020 là năm đầu tiên người dân Singapore được thưởng thức vải thiều nhập khẩu trực tiếp Việt Nam, mặc dù người dân quốc đảo này đã rất quen thuộc với vải của Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan từ nhiều năm.
Trong văn hóa của người Hoa (sắc dân phổ biến nhất tại Singapore), vải thiều là trái cây biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn; đặc biệt là may mắn trong làm ăn kinh doanh.
Vải luôn được coi là trái cây cao cấp và có mức giá cao so với các loại trái cây khác trên thị trường nhưng người dân Singapore hàng năm luôn tiêu thụ vải với số lượng lớn. Các hộp vải ở Singapore thường được đóng với trọng lượng từ 700 g đến 1 kg.
Vải thiều Việt Nam được bán tại một siêu thị ở Singapore. Ảnh: Nguyễn Tùng Lâm. |
Vải thiều Việt Nam hiện được bán với giá 5 SGD/kg trong tuần đầu tiên (mức giá khuyến mại) và tăng trở lại mức 6 SGD/kg ngay trong tuần tiếp theo, cùng mức giá với vải Trung Quốc đang bán tại Singapore. Chất lượng và màu sắc trái vải Việt Nam được đánh giá là đẹp và tươi hơn. Sau 2 tuần lên kệ, nhiều siêu thị đã không còn vải để bán.
Trong năm 2018-2019, vải thiều Việt Nam đã được bán rải rác ại các chợ dân sinh ngoài trời của người dân Singapore (nguyên cuống, không đóng hộp, người mua tự chọn mua giống như tại các chợ ở Việt Nam).
Tuy nhiên, do bán tại chợ ngoài trời, không qua xử lý, không đảm bảo nhiệt độ tối ưu, lượng hàng bán chậm, trái vải bị hỏng nhanh, xuống màu, khiến cho các nhà nhập khẩu nhỏ ngần ngại ký kết hợp đồng cho các mùa vụ tiếp theo.
Ngay từ đầu năm 2018, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã gặp gỡ, tiếp xúc, nhiều nhà nhập khẩu trái cây lớn của Singapore để thuyết phục phía bạn quan tâm chuyển hướng nhập khẩu vải từ Việt Nam.
Thương vụ cũng đã kiên trì làm việc với các chuyên gia Singapore, những người nhiều năm tham gia Dự án nâng cao năng lực bảo quản và xử lý trái vải của Việt Nam và tham gia biên soạn cuốn “Sổ tay thực hành tốt cho vải” để hướng dẫn phổ biến tới người trồng vải Việt Nam.
Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, các nhà nhập khẩu vải Singapore đã có cái nhìn mới về năng lực xử lý và bảo quản trái vải của Việt Nam.
Thương vụ ĐSQ Việt Nam liên tục tổ chức các đoàn đưa nhà nhập khẩu trái cây Singapore về Việt Nam trong 3 năm liền để tìm kiếm các sản phẩm trái cây mới của Việt Nam.
Ngay từ đầu mùa vải, Thương vụ đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo trực tuyến để quảng bá trái vải Việt Nam và kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.