Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, toàn bộ 2 tấn vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào ngày 20/6 đã bán hết chỉ trong vòng 1 ngày.
Hiện siêu thị Nhật chỉ giữ lại một ít để làm sự kiện, trong khi đó hệ thống bán lẻ đã hết hàng. Khách tiêu dùng tại Nhật Bản đánh giá tốt về sản phẩm mới này.
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều cho biết giá doanh nghiệp bán sỉ cho các siêu thị tại Nhật dao động 8-12 USD/kg (hơn 180.000--270.000 đồng). Hiện, một siêu thị ở đây đang bán lẻ vải theo hộp chia đều 9 quả/hộp, với giá gần 120.000 đồng/hộp (nặng 200 g và bao gồm thuế).
Như vậy, giá một kg vải bán lẻ ở Nhật Bản vào khoảng 600.000 đồng.
Hiện, một siêu thị ở Nhật đang bán lẻ vải theo hộp với giá gần 110.000 đồng/hộp. Ảnh: MOIT. |
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, đối với loại vải thiều trồng ở vùng được cấp mã số để xuất khẩu đi Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đang thu mua của nông dân với mức giá ổn định 38.000 đồng/kg.
Thương vụ đã và đang phối hợp với một số đầu mối nhập khẩu của Việt Nam như AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm… và đầu mối xuất khẩu như Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii… để xúc tiến xuất khẩu các lô hàng vải thiều sang Nhật trong vụ mùa năm nay.
Trước khi xuất đi, vải thiều Việt Nam đã được chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, đánh giá cũng như kiểm dịch, khử trùng cẩn thận. Đã có gần 5 tấn vải thiều được xử lý xông hơi và được chuyên gia Nhật xác nhận kết quả đạt chuẩn.
Trước đó, ngày 19/6, hai tấn vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang Nhật bằng đường hàng không. Ba ngày sau, quả vải của Việt Nam được lên kệ tại các siêu thị của Nhật Bản.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, khoảng 4-5 tấn vải tiếp tục sang Nhật bằng đường biển trong những ngày tiếp theo. Dự kiến, từ nay đến cuối vụ, khoảng 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay.
Bắc Giang hiện có khoảng 28.000 ha vải thiều tập trung tại 5 huyện gồm: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh.
Việc quả vải Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có ý nghĩa rất lớn, khẳng định được uy tín của quả vải tươi Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Như vậy, sau hơn 5 năm nỗ lực đàm phán, năm 2020 vải thiều của Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu sang Nhật Bản - một thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng.
Trước đó, năm 2014, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) bắt đầu đàm phán với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản nhằm xúc tiến mở cửa thị trường Nhật cho quả vải thiều Việt Nam. Nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt đã được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh vật (là đối tượng kiểm dịch thực vật) có khả năng tồn tại trên quả vải.
Thương vụ đã thu xếp đưa đối tác Nhật về Bắc Giang tìm hiểu khả năng nhập khẩu quả vải thiều Lục Ngạn và giới thiệu công nghệ bảo quản vải tươi của Nhật Bản 3 lần vào tháng 11/2018, tháng 5/2019), tháng 11/2019.
Ngày 15/12/2019, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản gửi thư cho Cục BVTV thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam.
Việc quả vải Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có ý nghĩa rất lớn, khẳng định được uy tín của quả vải tươi Việt Nam, giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy xuất khẩu vải thiều vào các thị trường lớn như: Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Canada,Thái Lan, Singapore...