Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vải, thép... cũng 'thoi thóp' vì hàng nhập

Tương tự dầu ăn, kính nổi, hàng loạt ngành hàng như gốm sứ, gạch trang trí, xây dựng; sắt thép và các sản phẩm của ngành sắt thép; vải may mặc... đang khó khăn chống đỡ hàng nhập khẩu đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc.

Vải, thép... cũng 'thoi thóp' vì hàng nhập

Tương tự dầu ăn, kính nổi, hàng loạt ngành hàng như gốm sứ, gạch trang trí, xây dựng; sắt thép và các sản phẩm của ngành sắt thép; vải may mặc... đang khó khăn chống đỡ hàng nhập khẩu đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc.

Các nhà sản xuất trong nước lo ngại sẽ rơi vào cảnh khốn đốn hơn nếu hàng rào bảo vệ hàng trong nước chưa được dựng lên hữu hiệu khi hiệp định thương mại ASEAN + 1 (các nước ASEAN và Trung Quốc) hoàn toàn có hiệu lực vào năm 2015.

Từ vải may mặc đến gốm sứ

Vải may mặc là một trong những mặt hàng mà hàng nhập ngoại đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Thuế nhập khẩu mặt hàng vải may mặc cũng đang dần dần được cắt giảm theo lộ trình tại Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc. Qua khảo sát cho thấy Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu vải sang Việt Nam. Nếu như trong năm 2011, kim ngạch nhập khẩu vải các loại từ Trung Quốc là 2,799 tỷ USD thì năm 2012, trị giá vải nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đường chính ngạch đã lên đến 3,04 tỷ USD. Với đà nhập khẩu này, hàng Trung Quốc đang chiếm tới 43,24% tổng kim ngạch nhập khẩu vải từ các thị trường.

Chị Hương Nhi, một đầu mối chuyên bán sỉ các loại vải ở TP.HCM cho biết, hàng ngoại luôn dễ bán hơn hàng nội. Đặc biệt vải Trung Quốc có đủ loại từ các loại voan, cotton, jeans... “Họ ra mẫu mới liên tục. Các mẫu vải mới thường đi theo trào lưu thời trang nên sẽ bán rất nhanh. Vải dùng làm phụ kiện may balô, túi xách, vải lót dùng trong sản xuất của một số ngành cũng bán rất rẻ. Chỗ chúng tôi giá sỉ chỉ 8.000 đồng/m. Giá sỉ vải may áo quần nhập khẩu thường hơn 20.000 đồng/m, luôn thấp hơn hàng nội cùng loại vài ngàn đồng” - chị Nhi nói.

 
Khách hàng chọn mua gạch lót sàn xuất xứ từ Trung Quốc tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM. 

Tương tự, ở ngành vật liệu xây dựng và gốm sứ trang trí nội thất, hàng hóa ngoại nhập tấn công ồ ạt hàng nội. Tại một cửa hàng ở đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM, các loại chậu rửa, gạch sàn, gạch ốp tường, gạch trang trí nguồn gốc Trung Quốc được bày bán từ ngoài vào trong. Trong khi đó, một số sản phẩm gạch men được giới thiệu hàng Việt Nam chỉ nằm khép nép một bên. Ông Cường, người bán hàng, cho biết do đa số người mua đều đặt tiêu chí vừa rẻ vừa đẹp nên hàng Trung Quốc là phù hợp nhất. Tại các cửa hàng trên đường Trường Chinh (quận 12), đường Cộng Hòa (quận Tân Bình)... đều bày bán nhiều loại gạch sỏi, gạch thủy tinh, gạch bóng kính nguồn gốc Trung Quốc, Thái Lan với giá 190.000-700.000 đồng/m².

“Trong tổng kim ngạch nhập khẩu gần 58 triệu USD của gạch ốp lát năm 2012 thì hơn 47 triệu USD được nhập từ Trung Quốc, dù đây chưa phải là giá trị thật của lượng hàng nhập khẩu theo đường chính ngạch” - ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam xác nhận. Với ngành sứ vệ sinh, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 9 triệu USD trong tổng kim ngạch khoảng 13,6 triệu USD.

Khó đủ đường

Không chỉ phải vất vả chống đỡ với hàng ngoại nhập, các nhà sản xuất trong nước còn thêm áp lực bởi những khó khăn ở thị trường trong nước.

Thép là một trong những ngành rơi vào thế bị tấn công từ nhiều phía. Các doanh nghiệp trong ngành này đang hết sức chật vật tại thị trường nội địa do suy giảm bất động sản kéo dài, đồng thời phải đối mặt với hàng loạt kiện tụng bán phá giá tại thị trường Indonesia, Thái Lan, Brazil...

Đi kèm với những khó khăn trên là một áp lực cực lớn từ thép nhập khẩu giá rẻ nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam qua nhiều ngả. Năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu các loại thép và nguyên liệu các loại khoảng 7,5 tỷ USD thì nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm gần 2,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch hiệp hội thép Việt Nam (VSA), đây là kim ngạch nhập khẩu theo đường chính ngạch, với mức thuế nhập khẩu trung bình 15-20%, nhưng các doanh nghiệp thương mại vẫn nhập về và bán có lãi. “Như vậy đủ hiểu giá thép sản xuất tại Trung Quốc rẻ như thế nào” - ông Nghi nói.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia dự báo năm 2015 khi hiệp định thương mại ASEAN+1 được thực thi hoàn toàn, khi đó thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng xuống còn 0%, thép và nhiều mặt hàng khác từ Trung Quốc chắc chắn đổ vào Việt Nam sẽ tăng vọt. Trong khi đó, để có được giá thành hợp lý nhất, các doanh nghiệp trong nước không còn cách nào ngoài việc đầu tư các nhà máy sản xuất thép có công nghệ tiên tiến ít tiêu tốn nhiên liệu, công suất lớn.

Tuy nhiên, hiện có đến cả trăm doanh nghiệp tham gia sản xuất với công suất nhỏ lẻ, vài chục, thậm chí vài trăm ngàn tấn sản phẩm/năm và sử dụng công nghệ sản xuất tiêu hao điện năng lớn, nên sản phẩm cạnh tranh rất yếu.

Ở ngành gạch ốp lát, gốm sứ vệ sinh, ông Q.T. - Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát cho rằng, ngay cả khi thuế nhập khẩu hiện từ 25-28% nhưng tình trạng gian lận thương mại, khai giá trị thấp để né thuế, cộng với hàng phẩm cấp kém giá rẻ về từ đường biên mậu khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ còn thở... thoi thóp.

Lợi ích cuối cùng thuộc về người tiêu dùng

Ông Võ Trí Thành (Phó viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương):

Tôi tin rằng hầu hết doanh nghiệp đều biết rất rõ một khi đã hội nhập thì việc buộc phải cạnh tranh là tất yếu. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào điều này để thấy được sức cạnh tranh và khả năng cạnh tranh của mình đang ở mức nào, tới đâu, cần có bao nhiêu thời gian để hoàn thiện lại “sức khỏe” của mình cho những cuộc chiến lâu dài sắp tới.

Còn Nhà nước và Chính phủ, bằng các biện pháp kỹ thuật và điều khoản được phép như các nước vẫn làm trong việc phòng vệ thương mại, như: tăng thuế, dựng hàng rào kỹ thuật, điều chỉnh thuế suất theo lộ trình đã cam kết, có thể bảo hộ được cho các doanh nghiệp trong ngắn hạn. Nhưng mục tiêu sâu xa hơn là giảm thiểu các tác động quá tiêu cực có thể gây ra bất ổn xã hội ở từng thời điểm, phạm vi có liên quan. Doanh nghiệp phải hiểu rõ điều này để tự nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại. Vì lợi ích cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng là họ cần có được một sản phẩm đạt chất lượng, nhưng giá thành luôn ở mức hợp lý nhất.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm