10 sự kiện của Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương năm 2012
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn hết sức gay gắt, kinh tế nước ta năm 2012 vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đóng góp vào thành tựu chung có nỗ lực của Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng tiêu biểu trong năm 2012 của Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương.
Thủy điện Sơn La (khởi công ngày 2/12/2005. Khánh thành ngày 23/12/2012) về đích trước 3 năm. |
1. Doanh nghiệp trong Khối đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước
Bằng nhiều giải pháp hiệu quả về quản lý, tổ chức điều hành SXKD và nỗ lực cao của CBCNV của các Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng trong Khối, năm 2012 các doanh nghiệp trong Khối nộp khoảng 40% ngân sách cả nước. Đây cũng là Khối đóng góp ngân sách nhà nước lớn nhất trong cả nước.
2. Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương phát triển đảng viên lớn nhất từ trước tới nay
Năm 2012, Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương đã kết nạp 5.178 đảng viên, trong đó, đảng viên ở độ tuổi thanh niên chiếm 68,60%.
3. Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương vì cộng đồng chăm lo huyện nghèo và công tác an sinh xã hội lớn nhất cả nước
Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã hỗ trợ 54/62 huyện nghèo với tổng số tiền là 1.737 tỷ đồng, bằng 80,9% tổng số tiền của các doanh nghiệp trong cả nước; thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng trị giá 7.548 tỷ đồng. Riêng năm 2012 số tiền làm công tác an sinh xã hội của các doanh nghiệp trong Khối là 1.807 tỷ đồng.
4. Lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước tự sản xuất được giàn khoan tự nâng
Trong năm qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã tự thực hiện chế tạo, xây lắp và đưa vào vận hành thành công giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam (giàn Tam Đảo 03) - công trình cơ khí trọng điểm nhà nước. Tam Đảo 03 là tên của giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam, đạt chất lượng quốc tế, tương đương với giàn khoan do các nước Mỹ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo.
Giàn khoan tự nâng này có tổng trọng lượng gần 12.000 tấn, chiều dài chân 145m, hoạt động ở độ sâu tới 90m nước và chiều sâu khoan đến 6.100 m.
5. Xuất khẩu gạo đạt mức lớn nhất từ trước tới nay
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỷ lục - 7,72 triệu tấn. Trong lĩnh vực này, vai trò nòng cốt của Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc nổi bật với việc làm đầu mối xuất khẩu tới 70% lượng gạo.
6. Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17,2 tỷ USD
Với 17,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2012, đây là năm thứ 4 liên tiếp ngành Dệt may Việt Nam duy trì vị trí số 1 của cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
Trong bối cảnh khó khăn về thị trường toàn cầu, việc Dệt may Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8% là một hiện tượng của ngành dệt may toàn thế giới, thể hiện năng lực cạnh tranh bền vững của ngành cũng như tăng trưởng đáng kể thị phần ở thị trường trọng yếu; duy trì ổn định việc làm cho gần 2 triệu lao động trên cả nước.
7. Vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam được phóng thành công lên quỹ đạo
Đúng 5h13’ ngày 16/5/2012 theo giờ Việt Nam, vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Sự kiện này bên cạnh ý nghĩa thể hiện chủ quyền không gian của Việt Nam còn khẳng định quyết tâm đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực viễn thông. Với khả năng phủ sóng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar và dung lượng truyền dẫn tương đương 13.000 kênh thoại/internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình, Vinasat-2 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của quốc gia về tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực.
8. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mở rộng thị trường, diện tích trồng cao su ở Lào, Campuchia
Tính đến hết năm 2012, tổng diện tích trồng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 353.359 ha, trong đó diện tích khai thác là 165.013 ha, diện tích trồng mới là 31.440 ha, diện tích tái canh là 7.806 ha và diện tích chăm sóc là 149.106 ha.
Các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia của đơn vị này đã trồng được tổng cộng gần 100.000 ha cao su. Việc Tập đoàn Cao su mở rộng diện tích trồng cao su nhằm thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn và vùng biên giới, góp phần xây dựng mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.
9. Vietinbank thực hiện thương vụ mua bán/sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay trong ngành Tài chính Việt Nam
Ngày 27/12/2012, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chính thức ký các hợp đồng chi tiết của giao dịch bán 20% cổ phần trị giá 15.465 tỷ đồng (tương đương 743 triệu USD) cho nhà đầu tư chiến lược Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và đứng hàng thứ 3 thế giới. Đây là thương vụ lớn nhất từ trước tới nay trong ngành Tài chính Việt Nam.
Trong năm 2012, VietinBank đã được tổ chức xuất bản tin tức tài chính - ngân hàng uy tín hàng đầu châu Á - FinanceAsia bình chọn là ngân hàng huy động vốn hiệu quả nhất Việt Nam, trong đó phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế (trái phiếu trơn, không có bảo đảm) vào tháng 5/2012, thể hiện sự tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế đối với triển vọng của VietinBank.
10. Công trình thủy điện Sơn La về đích trước 3 năm, tiết kiệm hơn 40.000 tỷ đồng
Công trình thuỷ điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á về đích sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, làm lợi cho nhà nước hơn 40.000 nghìn tỷ đồng.
Công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu xây dựng.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Trung ương