Ngày 26/9, "trận đấu khẩu" lịch sử được cho là thước đo tài năng của hai ứng viên tổng thống Mỹ đã diễn ra tại Đại học Hofstra, New York. Nếu như bà Hillary Clinton thể hiện khá tốt bản lĩnh, năng lực của một cựu ngoại trưởng Mỹ thì ông Donald Trump có vẻ chưa chuẩn bị đủ kỹ cho cuộc tranh luận lần này.
Một cuộc thăm dò mới đây do CNN thực hiện cho thấy 54% cử tri độc lập trong cuộc bình chọn của họ cho rằng bà Clinton chiến thắng, chỉ có 33% cho rằng Trump thắng. Theo kết quả thăm dò của StarTribune, 64% người được hỏi nghĩ rằng bà Clinton sẽ thắng, trong đó con số này chỉ là 30% đối với ông Trump, 6% bỏ phiếu trống.
Tạp chí Vox nhận định đảng Dân chủ đã đề cử một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hoà lại có phong độ thất thường, dễ nổi cáu và "sa lầy" trong các cuộc tranh cãi thay vì đưa ra giải pháp thuyết phục.
Trump "mù tịt" về tình hình kinh tế
Ông trùm bất động sản khẳng định sự giàu có của mình "không phải là điều khoác lác" chỉ vì "đã đến lúc nước Mỹ cần một người lãnh đạo hiểu biết về tiền bạc". Tuy nhiên, ngay từ những lời phát biểu đầu tiên, ông Trump cho thấy kiến thức "nông cạn" về tình hình phát triển kinh tế trong nước và quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài.
"Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Nước Mỹ đang ở trong một quả bong bóng khổng lồ xấu xí", ông Trump mô tả thực trạng nền kinh tế. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp giảm ổn định trong những năm gần đây, kinh tế Mỹ đang dần phục hồi "vào quỹ đạo".
"Ngôi sao truyền hình" cáo buộc Tổng thống Obama đã “tăng gấp đôi nợ quốc gia trong khi chính sách kinh tế của tỷ phú Mỹ còn được cho là "đáng lo ngại" hơn nhiều so với của bà Clinton, có thể khiến thâm hụt ngân sách tăng lên mức 5,3 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.
Donald Trump cho rằng "đã đến lúc nước Mỹ cần một người lãnh đạo hiểu biết về tiền bạc". Ảnh: Reuters. |
"Ông Trump có vẻ muốn đưa nền kinh tế Mỹ trở về những năm 1960", Douglas Holtz-Eakin, thành viên diễn đàn hành động đảng Bảo thủ (Anh), nhận xét.
"Donald Trump phác hoạ cho mình hình ảnh là một tỷ phú theo chủ nghĩa dân túy, nhưng kế hoạch kinh tế của ông ấy chỉ 'nhai lại' các chính sách thất bại và tập trung cắt giảm thuế lớn cho những người giàu có và các tập đoàn", Politico trích lời Larry Mishel, chuyên viên Viện Chính sách kinh tế cánh tả, nói.
Ứng cử viên đảng Cộng hoà cũng khẳng định việc Trung Quốc đang phá giá đồng nhân dân tệ, trực tiếp huỷ hoại nền kinh tế Mỹ. Ông chỉ trích Trung Quốc đang lợi dụng Mỹ "như một chú heo đất để xây dựng đất nước của họ" còn chính phủ Mỹ không thể làm gì để chống lại điều đó. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc cũng đang cố gắng vực dậy đồng tiền của mình khi nguồn vốn đầu tư bất động sản ngày càng đổ vào Mỹ.
Về quan hệ kinh tế với Mexico, tỷ phú Trump cho rằng việc làm đang "chảy sang" Mexico, áp đảo nền kinh tế Mỹ. Thực tế cho thấy Mexico đang xây dựng nhà máy sản xuất ôtô lớn nhất thế giới ở California.
Rõ ràng, "ngôi sao truyền hình" không hề có chút hiểu biết về tình hình kinh tế. Ông chỉ trích bà Clinton ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cái mà ông cho rằng tàn phá nước Mỹ, nhưng sản lượng của Mỹ đã tăng 50% kể từ khi tham gia hiệp định.
"Bài phát biểu không thể hiện là một kế hoạch kinh tế nghiêm túc và mọi thứ hầu như bị cường điệu hoá", David Kotok, giám đốc đầu tư Cumberland Advisors, nhận định.
Các chuyên gia kinh tế phố Wall chỉ trích quan điểm của ông Trump là mơ hồ và phụ thuộc vào những số liệu không thuyết phục.
Kẻ cố chấp đến phút chót
Kết thúc buổi tranh luận, điều ấn tượng nhất của khán giả có lẽ là hình ảnh vị tỷ phú dễ nổi nóng, bốc đồng khi bị cáo buộc điều gì.
Bà Clinton thu hút sự chú ý khi cáo buộc ông Trump đứng sau ủng hộ cuộc chiến ở Iraq. Ông Trump phản ứng mãnh liệt, thậm chí hét lên: "Sai. Sai" và cho rằng: "Đó hoàn toàn là đám truyền thông vớ vẩn đưa tin theo ý bà ấy. Tôi hoàn toàn phản đối cuộc chiến tranh Iraq".
Bên cạnh đó, cựu ngoại trưởng Mỹ còn cáo buộc ông Trump đã có ý định đàm phán đàm phán lại với các chủ nợ của Mỹ nhằm hạ tỷ lệ lãi suất phải trả, Trump chỉ thẳng thừng cắt ngang lời: "Sai".
Ứng cử viên đảng Cộng hoà chỉ biết liên tiếp phủ nhận mà không đưa ra được bất cứ lập luận, chứng cứ gì cho những cáo buộc của bản thân.
Bản tính cố chấp, nóng nảy được đánh giá là bất lợi với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, khi bị công kích về việc sử dụng email cá nhân trong thời gian còn là ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton thừa nhận: "Tôi không bào chữa. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này".
Nhà phân tích chính trị Matthew Yglesias nhận định: "Rõ ràng vấn đề của ông Trump là nóng vội và không chịu thừa nhận lỗi sai". Đối mặt với những vấn đề "khó nhai", ông Trump chỉ lảng tránh sang chủ đề khác hoặc phủ nhận. Khi bị chỉ trích điều gì, ứng cử viên đảng Cộng hoà chỉ biết nổi cáu và lặp lại 3 câu: "Sai", "Nói dối" và "Tại sao không".
Trump chỉ nên vào vai "ngôi sao truyền hình"
Từng là ông trùm các cuộc thi hoa hậu, ngôi sao chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice", ông Trump có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thu hút giới truyền thông và khuấy động đám đông.
Theo nghiên cứu của Libby Nelson, phóng viên mảng chính trị của tạp chí Vox, về các "thủ thuật" chiến thắng trong các cuộc tranh cử, hầu hết cử tri ủng hộ Trump đều là những người yêu thích chương trình truyền hình thực tế.
Tỷ phú Mỹ thường đưa ra các khẩu hiệu dễ nhớ và có thói quen đánh trống lảng các câu hỏi khó để kể những câu chuyện thú vị, nhưng lại không liên quan.
Đối với một ngôi sao truyền hình thực tế, sự náo nhiệt, tràng vỗ tay hưởng ứng của khán giả là "chìa khoá" cho sự tự tin. Nhưng tại cuộc tranh luận đầu tiên này, những người có mặt trực tiếp bị cấm gây ồn ào và tránh kích động. Điều này khiến Trump dễ dàng lo lắng việc liệu mình có bị "thất sủng".
Dường như "ngôi sao truyền hình" lại vào vai một diễn viên hài tung ra các chiêu bài và hoảng loạn đến giây phút cuối cùng. Khi không có những trào pháo tay ủng hộ của khán giả, ông Trump trở nên vụng về, cứng nhắc.
Theo tạp chí Vox, một chính trị gia kỳ cựu như Clinton hiểu rằng sự im lặng của cử tri không đồng nghĩa với việc thờ ơ, lãnh đạm. Nhưng tỷ phú New York lại vô cùng hoang mang về sự im lặng của khán giả.
Chỉ còn gần 40 ngày nữa là đến ngày chính thức bầu cử tổng thống Mỹ 2016, nếu ứng cử viên đảng Cộng hoà không thay đổi chiến lược trong 2 buổi tranh luận trực tiếp tới thì khả năng trở thành ông chủ Nhà Trắng dành cho ông là rất mong manh.