Suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, bà Clinton thường mô tả ông Trump là kẻ quá dễ nóng giận, quá dễ bị khiêu khích, do đó thiếu sự điềm tĩnh cần thiết để trở thành tổng tư lệnh của nước Mỹ.
Trong bài phát biểu nhận đề cử của đảng Dân chủ, cựu ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Donald Trump là kẻ bạn có thể bẫy chỉ bằng một tin nhắn Twitter”. Và mọi diễn biến của cuộc tranh luận hôm qua đã chứng minh điều đó.
Những phút đầu diễn ra khá cân bằng và khó dự đoán. Thậm chí Trump còn tỏ ra chiếm ưu thế khi chất vấn những vấn đề thương mại, đẩy bà Clinton vào thế phòng ngự. Ông còn ghi điểm khi chỉ trích đối thủ là một chính trị gia hết thời, đã bấu víu chính trường trong một khoảng thời gian quá dài.
Bà Clinton luôn tỏ ra điềm đạm, còn ông Trump thể hiện sự nóng giận và yếu kém Ảnh: Getty. |
Cú đòn tâm lý hiệu quả
Tuy nhiên sau đó bà Clinton giăng bẫy bằng một cú thọc nhẹ nhàng đánh vào tâm lý của đối thủ. “Donald rất may mắn suốt cả cuộc đời. Ông ta khởi đầu sự nghiệp kinh doanh bằng khoản tiền 14 triệu USD vay từ cha”, bà cho biết.
Đó rõ ràng là lời phủ nhận luận điệu mà Trump luôn rao giảng rằng ông tự tay xây dựng đế chế kinh doanh của mình. Lập tức ứng cử viên Đảng Cộng hòa tự chui đầu vào rọ. Ông Trump phản đối quyết liệt rằng ông chỉ nhận “một khoản vay rất nhỏ” từ cha rồi biến nó thành một tập đoàn trị giá hàng tỷ USD.
Sự điềm tĩnh của Trump sụp đổ, giọng ông bắt đầu trở nên gay gắt hơn, gầm gừ hơn, sự bực bội dần thể hiện rõ. Ông tỏ ra khó chịu, liên tục ngắt lời đối thủ. Và khi bà Clinton tiếp tục ra đòn, ông Trump giương mặt ra hứng trọn.
Khi cựu ngoại trưởng Mỹ chỉ trích đối thủ không chịu công khai hồ sơ thuế vì có thể không kiếm được nhiều tiền như ông ta khoe khoang hay vì không đóng thuế trong nhiều năm, Trump phản ứng: “Như thế là tôi thông minh đấy”. Thậm chí ông còn nhấn mạnh: “Tôi mà đóng thuế thì số tiền đó cũng sẽ bị lãng phí thôi”.
ABC News dẫn lời chuyên gia Aaron Kall thuộc Đại học Michigan nhận định Trump luôn tự hào với thành tích kinh doanh của mình. Do đó khi niềm tự hào này bị tấn công, ông ta sẽ mất kiểm soát và tìm đủ mọi cách để tự vệ.
Nhưng sự nóng vội và thiếu kiềm chế đã khiến ông Trump gián tiếp tự thừa nhận trên đài truyền hình quốc gia rằng ông ta chẳng đóng một đồng thuế nào dù giàu sụ.
Sai lầm nối tiếp sai lầm, Trump tiếp tục bộc lộ bản chất khi bị cựu ngoại trưởng Mỹ “vây hãm”. Khi bà Clinton cáo buộc Trump kiếm lợi từ vụ sụp đổ của thị trường địa ốc Mỹ năm 2008, ông ta không phản bác mà huênh hoang: “Đó là mối kinh doanh tốt”.
Khi bị đối thủ chỉ trích là quỵt tiền nhiều người làm công, Trump thể hiện sự lạnh lùng: “Có lẽ do họ làm không tốt”.
Donald Trump cho thấy ông không đủ phẩm chất để làm tổng thống Mỹ Ảnh: Getty. |
Không hiểu gì về kinh tế, chính trị
Bà Clinton cũng chờ đến phút cuối để lên án bản chất phân biệt giới tính, coi thường người khác của ông Trump. Bà tố cáo ông Trump từng gọi phụ nữ là heo, là chó. Ví dụ Trump từng gọi một cựu hoa hậu là “Hoa hậu heo”, một người khác là “Hoa hậu giúp việc” (vì cô này là người gốc Latinh). Đến mức mà Trump bối rối: “Bà tìm đâu ra những thứ đó vậy?”
Ngoài ra, trong suốt cuộc tranh luận, Trump cho thấy rõ rằng ông chẳng hiểu gì về kinh tế và chính trị cả dù ông lớn giọng: “Đã đến lúc nước Mỹ cần một người điều hành có kiến thức về tiền bạc”.
Trump nói “công ăn việc làm đang rời bỏ nước Mỹ”, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm ổn định trong những năm qua. Trump cho rằng Trung Quốc đang phá giá tiền tệ trong khi thực tế nước này đang đẩy giá đồng nhân dân tệ lên.
Trước sức ép của bà Clinton, ông Trump thường xuyên phải tự vệ bằng những lời nói dối. “Donald nghĩ biến đổi khí hậu là trò lừa đảo do người Trung Quốc dựng lên”, bà Clinton kể. Trump phản đối: “Tôi không hề nói vậy”. Thực tế là Trump từng viết thông điệp với nội dung này trên Twitter.
Khi bị lên án là phân biệt chủng tộc vì nghi ngờ nguồn gốc của Tổng thống Barack Obama, Trump quay sang đổ lỗi cho bà Clinton. Báo chí Mỹ thống kê Trump nói dối 20 lần trong cuộc tranh luận.
Cỗ máy tranh cử của ông Trump tô vẽ hình ảnh một doanh nhân tài ba, đứng bên ngoài hệ thống chính trị của Washington, có khả năng thay đổi nước Mỹ, sửa chữa mọi sai sót của nền kinh tế.
Nhưng cuộc tranh luận với bà Clinton cho thấy tỷ phú New York thậm chí không biết đất nước mình có những vấn đề gì, chứ chưa nói đến chuyện khắc phục.
Chắc chắn những ai theo dõi cuộc tranh luận sẽ phải quay trở lại với câu hỏi lớn chưa có lời đáp: Tại sao cử tri Đảng Cộng hòa lại lựa chọn một ứng cử viên như vậy?