Nền văn hóa giải trí và xã hội Hàn Quốc đang đứng trước cơn chấn động khổng lồ sau những lời tố cáo đến từ những phụ nữ nhỏ bé.
Cuối tháng 1, nữ công tố viên Seo Ji Hyun đứng ra tố cáo việc mình bị xâm hại bởi một lãnh đạo cách đây 8 năm và nhận được bồi thường. Đây là tiếng nói đầu tiên khơi mào cho phong trào chống tội ác tình dục #MeToo lan rộng ở Hàn Quốc.
Từ thi sĩ vĩ đại đến giám đốc nhà hát danh tiếng
Chỉ trong vòng một tháng, làn sóng #MeToo như nhấn chìm Hàn Quốc. Mỗi ngày đều có những lời tố cáo mới từ nhiều lĩnh vực và nhiều tên tuổi lớn của nền văn hóa Hàn Quốc bị gọi thẳng tên.
Theo Korea Times, điều gây sốc nhất chính là khi những người bị tố cáo lại là những tên tuổi lớn không chỉ được kính trọng, đạt nhiều thành tựu mà còn được coi là biểu tượng của đất nước. Họ là những giám đốc ngành sân khấu, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, chuyên gia âm nhạc và thậm chí, nhà thơ vĩ đại được coi là ứng viên Nobel của Hàn Quốc, Ko Un.
Nhà thơ Ko Un. Ảnh: Korea Herald. |
Năm nay 84 tuổi, Ko Un là "bảo vật quốc gia" của Hàn Quốc vì thành tựu thi ca vĩ đại. Nhiều bài thơ của ông được coi là biểu tượng của thi ca Hàn Quốc. Hồi tháng 12/2017, Ko Un bị gián tiếp tố cáo hành vi lạm dụng tình dục nhiều nhà thơ nữ qua bài thơ The Beast (Ác quỷ) của tác giả nổi tiếng Choi Young Mi.
Trong bài thơ, Choi nhắc đến kẻ tên "En", người đã "luôn sờ soạng các cô gái trẻ mỗi khi gặp" và thừa nhận "Tôi cũng không thể chối bỏ mình là kẻ tiếp tay khi đã không làm gì để ngăn hắn lại". Dù không nhắc đích danh Ko Un, bài thơ vẫn được báo chí Hàn Quốc khẳng định là nói về Ko Un. Nhiều tờ báo còn nhắc hẳn tên ông khi đưa tin.
Trước lời cáo buộc này, đầu tháng 2, có thông tin Ko Un rời khỏi căn nhà được chính quyền thành phố Suwon tặng cho ông để vinh danh những thành tựu thi ca. Tiếp đó, ông rút tên khỏi Hội Nhà văn Hàn Quốc.
Nữ công tố viên Seo Ji Hyun, người khơi mào làn sóng tố cáo tội ác tình dục ở Hàn Quốc. Ảnh: Chosun. |
Không đạt tầm cỡ quốc gia như Ko Un nhưng Lee Youn Taek, vị giám đốc nhà hát "đáng kính" 66 tuổi vừa bị tố cáo trong tuần này, cũng gây chấn động không kém vì những tình tiết quá sốc.
Lee là giám đốc nhà hát thuộc hàng "top" ở Hàn Quốc Yeonhuidan Georipae, được coi là "vua" hay "lãnh tụ tinh thần" của nhà hát này, bị nhiều nữ diễn viên sân khấu lên tiếng tố cáo từng bắt họ mát xa bộ phận sinh dục và cưỡng hiếp.
Nhiều tình tiết tố cáo Lee khiến dư luận phẫn nộ như ông này từng "mỗi ngày yêu cầu một phụ nữ khác nhau mát xa", hành vi đó diễn ra suốt 18 năm hay các cấp dưới có chức quyền đã "nhắm mắt làm ngơ" vụ việc.
Giám đốc nhà hát Lee Youn Taek bị tố gây tội ác tình dục suốt 18 năm. Ảnh: Korea Times. |
Hôm 19/2, Lee công khai xin lỗi trước báo giới nhưng càng đổ thêm dầu vào lửa khi đổ lỗi cho "truyền thống quá khứ". Ông này cũng phủ nhận cáo buộc cưỡng hiếp. Điều này khiến dư luận Hàn Quốc càng thêm phẫn nộ và có thêm nhiều người lên tiếng tố cáo, thêm nhiều cái tên bị nêu ra.
Trong đó, có Ha Yong Bu, 63 tuổi, một nghệ nhân lưu giữ điệu nhảy truyền thống được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc. Ông này cũng là một thành viên của nhà hát Yeonhuidan Georipae. Tội danh bị tố cáo là cưỡng hiếp.
Sau khi Lee Youn Taek từ chức giám đốc nhà hát và Hội sân khấu Hàn Quốc cũng gạch tên ông này, công chúng đã kêu gọi điều tra vụ việc. 175.000 người đã ký tên trên trang Cheong Wa Dae để yêu cầu cơ quan chức năng điều tra và luận tội Lee.
Khi nạn nhân không chỉ là những phụ nữ yếu thế
Theo Korea Times, các chuyên gia nhất trí rằng vụ việc của nữ công tố viên Seo Ji Hyun là cá biệt so với những trường hợp khác, đã thay đổi cách nhìn của công chúng Hàn Quốc về hành vi xâm hại tình dục.
"Trong những trường hợp khác, nạn nhân là những phụ nữ yếu đuối, nhưng Seo thì không. Vụ việc của cô ấy gây chú ý vì bao gồm cả vấn đề bất công giới tính và quyền lực trong đó", Kim Joo Hee, một trợ lý giảng viên tại Đại học Nữ sinh Dongduk, nhận định.
"Một công tố viên vốn là người quyền lực, nhưng Seo còn bị xâm hai bởi một lãnh đạo nam có quyền lực hơn cô", Kim phân tích. Tương tự, nhà thơ Ko Un, giám đốc Lee Youn Taek hay các nam diễn viên gạo cội cũng được coi là những người có quyền lực trong lĩnh vực của họ.
"Khi những vụ tố cáo diễn ra, người bị tố cáo thường nói họ không nhớ và dư luận đổ lỗi cho nạn nhân là chắc cô ta có hành vi gì đó khuyến khích việc quấy rối", Lee Na Young, giảng viên xã hội học ở Đại học Chung Ang phân tích, "Nhưng khi sự việc xảy ra với công tố viên Seo, một người có chuyên môn và địa vị xã hội cao, người ta phải giật mình khi nhận thấy những bất công với nữ giới ngày nay".
Diễn viên Cho Jae Hyun, một trong những người bị tố cáo. Ảnh: Hollywood Reporter.
|
Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, nền giải trí Hàn Quốc, vốn là im lặng về vấn đề này, cũng có những vụ tố cáo chấn động. Nam diễn viên gạo cội kiêm giảng viên đại học Cho Min Ki bị tố lạm dụng tình dục sinh viên. Các diễn viên nổi tiếng như Oh Dal Soo và Cho Jae Hyun cũng bị nêu tên. Nghệ sĩ rap Don Malik bị đuổi khỏi nhóm nhạc vì lạm dụng người hâm mộ vị thành niên.
Tiếp đó, một người tự xưng là cựu diễn viên hài đã khởi xướng phong trào ký tên trên trang web Cheong Wa Dae, kêu gọi những diễn viên hài khác tố cáo hành vi tấn công tình dục trong ngành của họ.