Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vạch trần sử bịa Napoléon Bonaparte bắn đứt mũi tượng Nhân Sư

Theo thợ săn sử bịa Jo Hedwig Teeuwisse, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Napoléon hay quân đội của ông thổi bay mũi tượng Nhân Sư chỉ vì bức tượng trông quá châu Phi.

Su bia anh 1

Bản phác họa tượng Nhân Sư của Frederic Louis Norden, xuất bản năm 1755.

Có thể bạn đã nghe

Trong chuyến viếng thăm Ai Cập, Napoléon đã nhìn thấy tượng Nhân Sư và nổi cơn thịnh nộ khi nhận thấy khuôn mặt của bức tượng trông giống người châu Phi. Vốn là người phân biệt chủng tộc nặng nề, vị Hoàng đế không thể chịu nổi ý tưởng bức tượng không mô phỏng theo người châu Âu. Vì thế, ông đã ra lệnh cho quân của mình dùng đại bác bắn đứt mũi tượng Nhân Sư. Kết quả đúng như ông mong đợi.

Vạch trần

Câu chuyện này có lẽ khởi đầu như một lời đồn nhỏ vô hại, một câu chuyện vui dành cho khách du lịch, có niên đại ít nhất là từ đầu thế kỷ 20. Nhưng ngày nay, nó được chia sẻ trên mạng vì một lý do mới và chẳng mấy dễ chịu: đó là bằng chứng về sự phân biệt chủng tộc. Tôi không chắc từ khi nào mà mọi người bắt đầu nghĩ Napoléon cho rằng chiếc mũi của bức tượng trông quá châu Phi nên phải cắt bỏ, nhưng rất nhiều người đã tin vào điều đó.

Năm 1995, Louis Farrakhan, nhà lãnh đạo Tổ chức Quốc gia Hồi giáo, đã nói trong bài phát biểu của mình tại Cuộc Tuần Hành Triệu Người (Million Man March) như sau: “Quyền lực tối cao của người Da trắng đã khiến Napoléon thổi bay mũi tượng Nhân Sư vì nó nhắc cho chúng ta nhớ quá nhiều đến sự uy nghi của người Da đen”.

Vì thế, tin đồn này đã được sử dụng để đưa ra tuyên bố về sự phân biệt chủng tộc, tất nhiên, điều này đã biến những gì từng là một câu chuyện vô hại trở thành điều gì đó tai hại hơn nhiều. Trớ trêu thay, Tổ chức Quốc gia Hồi giáo và Farrakhan lại bị buộc tội kỳ thị người Do Thái, LGBTQ+ và người Da trắng, đồng thời nổi tiếng với những thuyết âm mưu hoang đường.

Mặc dù không phải chịu trách nhiệm về lời tuyên bố, nhưng họ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phổ biến lâu dài của nó. May mắn thay, khá dễ dàng để chứng minh tin đồn này là vô lý, vì vậy hãy lưu ý khi bạn gặp ai đó tin vào câu chuyện trên. Trừ khi họ khăng khăng mọi thứ là một thuyết âm mưu khủng khiếp thì bạn có thể thuyết phục được họ bằng một sự thật rất đơn giản: Napoléon không có quyền truy cập vào cỗ máy thời gian! Ông sinh năm 1769 và viếng thăm Ai Cập vào năm 1798.

Nhưng như chúng ta đều biết, người ta đã viết về khuôn mặt bị hư hại của tượng Nhân Sư, thậm chí còn vẽ những bức tranh về nó TRƯỚC KHI Napoléon ĐƯỢC SINH RA. Điều đó sẽ thuyết phục được bất kỳ người lý trí nào. Ngoài ra, sẽ rất khó hiểu nếu Napoléon thực hiện hành động phá hoại này, vì rõ ràng vị Hoàng đế này rất quan tâm đến lịch sử Ai Cập, đồng thời còn chịu trách nhiệm thực hiện cuộc nghiên cứu khoa học đầu tiên của châu Âu về cổ vật ở đó.

Bây giờ, hãy xem qua các bằng chứng một chút. Năm 1737 (trước khi Napoléon ra đời...), thuyền trưởng Hải quân Đan Mạch là Frederic Louis Norden đã du hành tới Ai Cập và thực hiện những bản phác thảo rất chi tiết về tượng Nhân Sư. Chúng được xuất bản vài năm sau đó. Bức tượng trong những bức vẽ này rõ ràng đã bị mất mũi.

Bên cạnh đó, bạn có thể tìm thấy những điều tương tự trên mạng một cách dễ dàng. Năm 1759 (trước khi Napoléon ra đời...), hai người Hà Lan, Johannes Aegidius van Egmond van der Nyenburg và Johannes Heyman, đã xuất bản một cuốn sách với nhan đề hấp dẫn: Du hành qua một phần châu Âu, Tiểu Á, các đảo thuộc quần đảo, Syria, Palestine, Ai Cập, núi Sinai... Bao gồm một bảng danh sách đặc biệt về các địa điểm, công trình, di tích, bia khắc… đáng chú ý nhất ở những quốc gia này.

Cùng với đó là phong tục, cách hành xử, tôn giáo, việc buôn bán, thương mại, tính khí và lối sống của cư dân nơi này. Đó là một cuốn sách tuyệt vời - bạn có thể tìm thấy nó trên mạng (xem ghi chú nguồn ở cuối cuốn sách) - và thật may mắn cho chúng ta, các nhà thám hiểm đã đến kiểm tra tượng Nhân Sư với miêu tả rằng chiếc mũi “bị sứt một chút”.

Su bia anh 2

Tranh Bonaparte trước tượng Nhân sư của họa sĩ người PhápJean-Léon Gérôme, vẽ năm 1886. Nguồn: wikipedia.

Năm 1760 (trước khi Napoléon ra đời...), Tiến sĩ Siegmund Jakob Baumgarten đã xuất bản Phụ lục cho lịch sử phổ quát nước Anh, được xuất bản gần đây ở London. Trong đó, ông miêu tả tượng Nhân Sư “không mấy thương tổn, ngoại trừ việc chiếc mũi bị cắt cụt, có lẽ là do người Hồi giáo vì sự cay đắng của họ đối với các thể loại tượng thần”.

Còn nhiều ví dụ nữa. Nhưng vấn đề là chúng ta có những lời kể cùng với bản vẽ là chứng nhân cho thấy rằng, tượng Nhân Sư đã bị hư hại từ trước khi Napoléon mới chỉ là niềm hy vọng trong tâm tưởng của cha mẹ ông. Vì vậy, bất cứ ai từ chối chấp nhận bằng chứng này thì chỉ đơn giản là họ thích tin vào lời đồn hơn.

Nhưng nếu không phải do Napoléon thì là ai? Tiến sĩ Baumgarten đã cho chúng ta một manh mối khi đề cập đến “Mohammedans” - thuật ngữ cổ xưa dành cho người Hồi giáo. Vào thế kỷ 15, nhà sử học al-Maqrīzī tuyên bố rằng, chính Muhammad Sa’im al-Dahr đã phá hủy chiếc mũi vào năm 1384 bởi không thể chấp nhận được việc người dân địa phương thờ cúng tượng Nhân Sư.

Đây có thể là câu chuyện mà tiến sĩ đang nhắc đến. Nhưng tất nhiên, chuyện này chỉ được viết sau khi sự kiện đó xảy ra, và nó chỉ là một câu chuyện, chứ thực sự chưa đủ sức nặng để có thể được chấp nhận là câu trả lời cho vấn đề “hung thủ là ai”.

Để khiến mọi việc trở nên thú vị hơn, cách đây vài thập kỷ, nhà khảo cổ học Mark Lehner đã nghiên cứu sự hư hại của tượng Nhân Sư và đưa ra kết luận rằng, hư hại xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ thứ 3 và 10 sau công nguyên. Trong trường hợp đó, thì không thể là al-Dahr hay Napoléon được.

Nhiều bức tượng ở Ai Cập cổ đại đã bị hư hại và mất mũi. Tuy nhiên, điều này thường do chính người Ai Cập thực hiện bởi họ tin rằng linh hồn của người đã khuất hay thần linh có thể cư ngụ trong một bức tượng. Việc làm xấu đi tác phẩm nghệ thuật sẽ làm cho linh hồn thoát ra.

Bên cạnh đó, mũi còn là phần nhô ra ngoài và dễ bị thương tích hơn các bộ phận khác của tượng. Rất nhiều bức tượng cổ đã mất đi chiếc mũi hoặc những phần nhô ra ngoài khác như cánh tay hoặc các bộ phận phụ mà chúng ta không dám nhắc đến. Điều này rất phổ biến. Các bức tượng Hy Lạp và La Mã cũng trở thành nạn nhân của kiểu thiệt hại tương tự.

Tóm lại, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy động cơ đằng sau vụ phá hoại tượng Nhân Sư có liên quan đến vấn đề chủng tộc. Dù cho có một số nghi phạm nhưng sự thật không ai biết chắc chắn người nào đã làm hư hại tượng Nhân Sư. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nói không chút nghi ngờ rằng, đó không phải là Napoléon hay quân đội của Hoàng đế. Chưa ra đời là một bằng chứng ngoại phạm chắc chắn.

Jo Hedwig Teeuwisse / Thái Hà Books - NXB Thế giới

SÁCH HAY