Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vaccine Covid-19 và bài học quá khứ đắt giá đến từ Mỹ

Kể cả khi tìm được vaccine, chúng ta vẫn còn nhiều công việc cần làm để chống lại Covid-19.

Theo phân tích của tác giả Maryn McKenna trên Wired, Mỹ đã trải qua 2 đợt dịch cúm 1976 và 2009 với một số bước đi sai lầm. Điều đó có thể lặp lại trong thời gian tới, khi mà bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đang tạo nên áp lực lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội đối với nước này.

Tính đến ngày 10/4, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ có xấp xỉ 500.000 người nhiễm Covid-19, với hơn 18.600 trường hợp tử vong. Các nhà khoa học đang chạy đua tìm ra vaccine và thuốc đặc trị cho căn bệnh, tuy nhiên còn nhiều vấn đề phải làm để tránh “vết xe đổ”.

Những sai lầm trong quá khứ

Tháng 1/1976, sau một đêm hành quân huấn luyện trong mưa tại Fort Dix, New Jersey (Mỹ), tân binh Private David Lewis chết vì viêm phổi cấp. Gần 200 thành viên khác trong trung đội mắc bệnh với các triệu chứng sốt, khó thở, 13 người phải nhập viện.

Tháng một là mùa cúm. Các bác sĩ quân y cho rằng dịch bệnh đã xâm nhập vào căn cứ, có thể dẫn đến nguy cơ lớn. Người ta bắt đầu nghĩ tới thảm kịch trong quá khứ với cúm Tây Ban Nha năm 1918, căn bệnh giết chết hàng chục triệu người và khiến quân đội các nước châu Âu lao đao.

Tháng 3 năm đó, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố sẽ tiêm vaccine cúm lợn - tên gọi chính thức của căn bệnh - cho tất cả công dân của quốc gia này.

nghien cuu vaccine Covid-19 anh 1

Tổng thống Mỹ Gerald Ford được tiêm ngừa cúm năm 1976. Ảnh: Wired.

Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua khoản ngân sách khẩn cấp cho chương trình tiêm chủng, các công ty dược gấp rút nghiên cứu và sản xuất vaccine. Đến lễ Tạ ơn, có gần 45 triệu người Mỹ, tương đương 1/4 dân số, được tiêm ngừa. Tổng thống Gerald Ford là một trong người đầu tiên tham gia.

Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra theo kịch bản hoàn toàn khác với năm 1918. Không có đại dịch cúm, thay vào đó, 500 trong tổng số 45 triệu người Mỹ sử dụng vaccine gặp biến chứng tê liệt có tên “hội chứng Guillain-Barre”. 32 người đã tử vong.

Sự kiện này ảnh hưởng mạnh đến hệ thống y tế công cộng Mỹ. Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) bị sa thải. Chính phủ của Gerald Ford tổn hại uy tín nghiêm trọng. Đồng thời, các cơ quan quản lý tỏ ra e dè trước những việc cần quyết định dứt khoát.

Tháng 4/2009, hàng loạt trường hợp mắc cúm lợn đã xuất hiện ở California và Texas. Sang tháng 6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố căn bệnh này là đại dịch toàn cầu. Cuối cùng, 60 triệu người Mỹ nhiễm bệnh. Ước tính có 203.000 người chết trong toàn bộ đợt dịch này.

Các biện pháp chống dịch xuất hiện nhiều lỗ hổng. Một loại vaccine mới đã được phát triển, không gây hậu quả nghiêm trọng như thời điểm 1976 nhưng khâu sản xuất, phân phối và tiêm chủng cũng gặp vấn đề.

Có nhiều loại vaccine với thành phần khác nhau, tiêu chuẩn khác nhau do các quốc gia và công ty đồng thời phát triển. Xuất hiện một số biến chứng như trẻ em ở Thụy Điển, Phần Lan bị rối loạn thần kinh, mất ngủ; 1% trẻ ở Australia có biểu hiện sốt, co giật sau khi tiêm ngừa.

Tại Mỹ, có tới 50 kênh phân phối và thực hiện tiêm chủng nhưng một số bang thiếu hụt vaccine nghiêm trọng trong thời gian đầu, chẳng hạn như Tennessee, chỉ 60.000 liều vaccine cho hơn 6 triệu người.

Bài học và thách thức với cuộc chiến chống Covid-19

Một số sai lầm trong xử lý dịch bệnh 1976 và 2009 dường như tiếp tục lặp lại tại Mỹ. Đầu tiên là việc các chính trị gia quyết định những bước đi trong chiến dịch chống lại căn bệnh, thay vì nhà khoa học.

Năm 1976, toàn bộ kế hoạch, từ chế tạo vaccine đến phân phối, tiêm chủng đều thực hiện dựa trên một quyết định ban hành vào tháng 3, ngay sau khi có ca bệnh tại Fort Dix.

Trả lời phỏng vấn WHO vào năm 2009, tiến sĩ, bác sĩ Harvey Vernon Fineberg, nguyên hiệu trưởng Đại học Harvard, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực chính sách y tế cho rằng quyết định đơn lẻ của một cá nhân trong chiến dịch năm 1976 đã mang đến thất bại.

"Bài học lớn dành cho các nhà hoạch định chính sách là cần tách biệt những giai đoạn trong kế hoạch", ông nói. "Ví dụ bạn có thể phát triển vaccine nhưng đừng vội quyết định thời điểm và phạm vi tiêm chủng trước khi có nhiều thông tin hơn".

nghien cuu vaccine Covid-19 anh 2

Mỹ đang chạy đua phát triển vaccine phòng Covid-19. Ảnh: AP.

Giờ đây, một số nhà nghiên cứu lo ngại áp lực lớn đối với việc tìm vaccine chống Covid-19 có thể tạo ra các sai lầm tương tự trong quá khứ.

Stuart Blume, Giáo sư tại Đại học Amsterdam, tác giả sách Immunization: How Vaccines Became Controversial (tạm dịch "Chủng ngừa: Vì sao vaccine gây tranh cãi"), cho rằng vaccine Covid-19 khác với vaccine phòng cúm mùa thông thường và nó chưa được cấp phép.

"Điều tôi lo lắng là áp lực tiến độ sẽ dẫn đến việc cắt giảm khâu thử nghiệm trên các nhóm dân cư, lứa tuổi, tình trạng sức khỏe khác nhau, chẳng hạn phụ nữ mang thai", ông nêu ý kiến.

Ngoài ra, vaccine được sản xuất ở nhiều nơi, nhưng không phải quốc gia nào cũng đủ năng lực làm điều đó.

"Tôi đang tự hỏi, liệu chúng ta có chịu phối hợp với nhau sau khi tìm ra vaccine virus corona", Samantha Vanderslott, nhà nghiên cứu tại Oxford University Vaccine Group chia sẻ. "Nhìn lại H1N1 (cúm lợn), nhiều quốc gia phải tự làm việc với các công ty khác nhau để sản xuất lượng vaccine họ cần".

Minh bạch thông tin cũng là một vấn đề khác đối với việc chống đại dịch. Trong toàn bộ chiến dịch năm 1976, chính phủ Mỹ chỉ tổ chức một cuộc họp báo duy nhất để công bố chương trình tiêm chủng, sau đó phát hành thông cáo khi dự án kết thúc.

Ngược lại, trong năm 2009, CDC được ủy quyền tổ chức các cuộc họp ngắn mỗi ngày. Có 61 cuộc họp như vậy trong suốt đại dịch. Tuy nhiên, với dịch bệnh Covid-19, CDC không tổ chức bất kỳ cuộc họp báo nào từ 9/3 đến nay.

Tóm lại, ngay cả khi tìm được vaccine an toàn, hiệu quả đối phó với đại dịch Covid-19, vẫn còn một danh sách dài các công việc cần thực hiện, bao gồm thỏa thuận sản xuất, phân phối; theo dõi biến chứng; thiết lập mạng lưới tiêm chủng và truyền thông kịp thời, đầy đủ đến công chúng. Đối với mỗi nhiệm vụ này, bài học từ 2 đợt cúm 1976 và 2009 vẫn còn nguyên giá trị.

Việt Nam nghiên cứu dùng huyết tương trị virus corona Các chuyên gia sẽ chiết tách huyết tương từ mẫu máu của những người đã được chữa khỏi Covid-19 để điều trị ca bệnh nặng.

Bão cytokine - hiện tượng khiến cơ thể tự hủy hoại trước virus corona

Hiện tượng đặc biệt này sẽ khiến cơ thể con người tự gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình.

Nguyễn Hiếu

Theo Wired

Bạn có thể quan tâm