Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện mới lý giải vì sao Covid-19 lây lan rất nhanh

Một trong những nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng nằm ở vị trí chúng bám vào cơ thể người.

Mặc dù SARS-CoV-2 có nhiều điểm tương đồng với virus gây đại dịch SARS, tốc độ và khả năng lây lan của nó lớn hơn rất nhiều. Tính đến sáng 10/4, thế giới đã có hơn 1,6 triệu ca nhiễm virus và hơn 95.000 người chết.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature, nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh là nó có thể nhân lên dễ dàng ở đường hô hấp trên, thay vì chỉ ở tế bào phổi.

co che lay lan covid-19 anh 1

Người đàn ông Trung Quốc được lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AFP.

Phát hiện mới về khả năng lây lan

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Anh, Đức hợp tác, thực hiện trên 9 bệnh nhân đã nhiễm Covid-19. Tất cả đều có biểu hiện nhẹ và ở độ tuổi từ thanh niên tới trung niên. Họ được lấy mẫu dịch ở mũi, họng và mẫu đờm, theo dõi chặt chẽ cũng như xét nghiệm liên tục trong quá trình điều trị có thể kéo dài tới 28 ngày.

Theo nhóm nghiên cứu, tất cả 9 người bệnh đều cho thấy tốc độ nhân bản rất nhanh của virus trong cơ thể ở tuần đầu tiên. Trong đờm của bệnh nhân cũng có lượng RNA virus cao. Nhóm nghiên cứu tìm thấy virus trong cả mẫu dịch họng lẫn đờm.

"Điều này có nghĩa virus corona không cần phải xuống tới phổi mới có thể nhân lên. Nó có thể tự nhân bản khi mới ở vùng họng, khiến quá trình lây lan trở nên dễ dàng hơn", Tiến sĩ Christian Drosten thuộc Đại học Y Charite, Berlin, đồng tác giả nghiên cứu nhận xét.

Do những đặc tính di truyền giống với SARS, các nhà khoa học ban đầu cho rằng SARS-CoV-2 sẽ nhân lên chủ yếu ở phổi, giống như dịch bệnh cách đây 17 năm. Đó là một trong những đặc tính khiến cho SARS lây từ người sang người chậm hơn.

"Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Munich cho thấy virus này nhắm tới những tế bào khác SARS. Điều đó đem đến những khác biệt rất lớn về tốc độ lẫn khả năng lây lan virus, đây là lý do chúng tôi công bố những phát hiện ban đầu ngay từ tháng 2", ông Drosten chia sẻ.

Sự khác biệt của SARS-CoV-2

Giống như virus SARS, SARS-CoV-2 cũng sử dụng những gai protein để bám vào thụ thể ACE2 trong tế bào người. Thụ thể này xuất hiện nhiều hơn ở đường hô hấp dưới, nên các nhà khoa học cho rằng virus cũng sẽ lây lan nhanh hơn ở phổi. Tuy nhiên, dường như gai protein của SARS-CoV-2 có một số khác biệt cho phép nó bám vào các tế bào ở đường hô hấp trên, dù khu vực này ít thụ thể ACE2 hơn.

co che lay lan covid-19 anh 2

Mặc dù có những điểm tương đồng về yếu tố di truyền so với SARS, SARS-CoV-2 có khác biệt đủ lớn để lây lan nhanh trong khu vực đường hô hấp trên của con người. Ảnh: New York Times.

Trên phần lớn bệnh nhân, lượng virus giảm đáng kể sau tuần đầu khi xuất hiện các triệu chứng. Mặc dù quá trình phóng thích virus ở phổi đã hạn chế, tốc độ giảm tại vùng họng chậm hơn nhiều.

Sau 8 ngày từ những triệu chứng đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã không còn thu được nguyên mẫu virus từ bệnh nhân, nhưng RNA thì vẫn còn ở vùng họng và phổi. Theo những dữ liệu này, nhóm tác giả đề xuất người bệnh với lượng RNA dưới 100.000 sau ngày thứ 10 có thể được đưa về cách ly tại nhà.

"Lượng virus cao ở vùng họng từ những ngày đầu cho thấy Covid-19 có thể lây lan rất sớm, trước cả khi người bệnh có triệu chứng. Cùng lúc đó, mức độ lây lan của bệnh nhân Covid-19 có vẻ liên quan đến lượng virus ở vùng họng và phổi.

Trong những bệnh viện với số lượng giường giới hạn chịu áp lực phải cho bệnh nhân ra viện để có giường cho người khác, đây là yếu tố quan trọng giúp cân nhắc thời điểm sớm nhất mà người bệnh được xuất viện", Tiến sĩ Roman Wölfel, đồng tác giả nghiên cứu kết luận.

Bao giờ mới có thuốc trị Covid-19? Các nhà khoa học đang làm việc cật lực để tìm ra phương pháp chữa Covid-19 trong thời gian sớm nhất có thể.

Chính phủ Mỹ dùng dữ liệu vị trí để kiểm soát Covid-19

Dữ liệu cung cấp vị trí trong điện thoại di động của người dân đang được Mỹ tận dụng nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm