“Đây là một vaccine tốt, và chúng tôi chỉ muốn chắc chắn rằng nó sẵn sàng để được sử dụng nếu cần thiết”, AP dẫn lời của Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot hôm 29/7.
Trong cuộc gọi với phóng viên, ông Soriot cho biết mặc dù Mỹ đã có nhiều loại vaccine nhưng công ty muốn đảm bảo rằng vaccine của hãng có thể được cung cấp trong tương lai nếu cần.
AstraZeneca đang xin cơ quan Mỹ cấp phép sử dụng. Ảnh: Reuters. |
Hơn 170 quốc gia đã cấp phép sử dụng AstraZeneca, nhưng hiện loại vaccine được cấp phép rộng rãi nhất thế giới vẫn chưa được phê duyệt sử dụng ở Mỹ.
Các loại vaccine đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Mỹ bao gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Trước đó, vào giữa tháng 4, AstraZeneca có kế hoạch xin cấp phép vaccine sau khi dữ liệu thử nghiệm được công bố. Tuy nhiên, công ty sau đó đã quyết định xin cấp phép sử dụng rộng rãi thay vì xin được phê duyệt thông qua giấy phép sử dụng khẩn cấp. Đơn xin cấp phép này yêu cầu phải cung cấp ít nhất 6 tháng dữ liệu.
Cũng trong báo cáo nửa đầu năm 2021 được công bố vào ngày 29/7, AstraZeneca cho biết hãng đã xuất xưởng khoảng 319 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm.
Trong số đó, thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX, AstraZeneca và đối tác là Viện Huyết thanh Ấn Độ đã cung cấp hơn 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho 125 quốc gia. Phần lớn vaccine được chuyển đến các nước thu nhập thấp và trung bình.
Một báo cáo được công bố vào tháng 6/2021 của Viện Sức khỏe Quốc gia Anh đã khẳng định tiêm hai liều vaccine AstraZeneca có tác dụng bảo vệ khoảng 67% trước biến chủng Delta.
Ngoài ra, Đại học Oxford cũng công bố kết quả cho thấy khả năng miễn dịch mạnh mẽ của vaccine AstraZeneca sau liều thứ hai có thể kéo dài đến 45 tuần. Báo cáo cho thấy số lượng kháng thể Covid-19 vẫn tồn tại một năm trong cơ thể sau khi tiêm một liều duy nhất.