Theo Bloomberg, nhóm nghiên cứu của giáo sư Sarah Gilbert thuộc Đại học Oxford đã huy động hơn 500 tình nguyện viên ở độ tuổi 18-55 trong chương trình thử nghiệm vaccine Covid-19. Chương trình này sẽ được mở rộng cho người lớn tuổi và đạt tối đa 5.000 người ở giai đoạn cuối.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có ít nhất một số liều vaccine được tung ra thị trường vào tháng 9. Đến lúc đó, sẽ không có đủ vaccine cho tất cả mọi nơi, nhưng bây giờ chúng ta sản xuất càng nhiều, càng có nhiều vaccine để sử dụng vào lúc đó", giáo sư Gilbert khẳng định.
Giáo sư Gilbert bắt đầu nghiên cứu về vaccine ở Đại học Oxford từ năm 1994. Hồi tháng 3, Viện nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia cùng Viện nghiên cứu và Đổi mới Anh cấp 2,2 triệu bảng (2,8 triệu USD) cho nhóm của bà để hỗ trợ nghiên cứu về vaccine Covid-19.
Vaccine do đội ngũ chuyên gia Đại học Oxford phát triển được thử nghiệm trên hơn 500 người. Ảnh: Getty Images. |
Nhóm của giáo sư Gilbert là một trong những tổ chức đầu tiên trên thế giới thực hiện thử nghiệm vaccine chống Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 70 loại vaccine đang được phát triển và 3 vaccine đang được thử nghiệm trên người.
Ba loại vaccine đó đến từ CanSino Biological và Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Công ty Dược phẩm Inovio, Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia.
Thử nghiệm của bà Gilbert chia 510 tình nguyện viên thành 5 nhóm và theo dõi trong vòng 6 tháng. Một nhóm trong số đó sẽ được tiêm mũi thứ hai 4 tuần sau khi tiêm mũi ban đầu.
Nghiên cứu vaccine (có tên ChAdOx1 nCoV-19) nhằm xác định tính hiệu quả, an toàn và khả năng miễn dịch của vaccine này. Vaccine hoạt động bằng cách giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công virus corona, kích thích phản ứng tế bào T.
Các hãng dược, tổ chức y tế đang phát triển 70 loại vaccine chống virus corona chủng mới. Ảnh: AP. |
Đội ngũ của bà Gilbert sử dụng công nghệ từng được thực hiện để phát triển vaccine ngừa MERS. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với việc xác định hiệu quả của vaccine là diễn biến dịch bệnh ở các khu vực không giống nhau.
"Việc thử nghiệm phải được sử dụng ở đúng nơi, đúng thời điểm, rất khó để dự đoán điều đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi có kế hoạch thực hiện thử nghiệm ở nhiều quốc gia", bà Gilbert chia sẻ.
Một trở ngại khác là nguồn vốn. "Chúng tôi có tiền nhưng không thể trang trải tất cả. Bạn không thể bắt đầu với quy mô lớn ngay. Dự án này có thể tiêu tốn đến hàng chục triệu USD", bà nói thêm.
Theo bà Gilbert, WHO đã tạo ra một diễn đàn cho tất cả nhà phát triển vaccine Covid-19 để chia sẻ kế hoạch và những phát hiện ban đầu. "Công việc đang tiến triển với tốc độ rất nhanh. Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy một tinh thần hợp tác chưa từng có khi tiến tới một mục đích chung toàn cầu là phòng ngừa Covid-19 thông qua tiêm chủng", bà nhấn mạnh.