V-League 2009: Một nửa thiên đường
(Zing) V-League 2009 qua đi, nhưng người hâm mộ vẫn chưa khỏi thắc mắc về cách thức tổ chức và những trận đấu "có vấn đề"
Sự đối lập giữa lượt đi - lượt về
Nửa đầu tiên của mùa giải, cả 13/13 loạt trận đều diễn ra căng thẳng, kịch tính và đặc biệt là…"sạch bong". Ở một nền bóng đá mà “lệ” đôi khi vẫn đè chết “luật” thì những bất ngờ rất bóng đá (như Đồng Tháp thắng HA.GL 3-0 trong ngày khai cuộc) và những trận đấu rất ngay ngắn thực sự đã tạo nên cả một luồng sinh khí mới. Nhìn vào luồng sinh khí ấy, từ những nhà làm giải cho tới người hâm mộ, ai cũng kỳ vọng vào một mùa bóng thành công nhất kể từ khi bóng đá chuyên nghiệp ra đời ở Việt Nam.
Thế nhưng, trớ trêu thay, chỉ cần 1-2 loạt trận đầu tiên của lượt về khai diễn thì ngay lập tức, cái kỳ vọng lớn lao kia tan ra như bọt xà phòng. Lượt về V-League, hàng loạt trận đấu, như trận CLB TPHCM đập SHB Đà Nẵng, T&T Hà Nội thắng HA.GL, hay QK4 vượt qua Khánh Hòa… đều bị cho là “khét lèn lẹt”. Nó đã tạo ra cả một bầu không khí ngột ngạt, khiến người ta dù không muốn nhưng vẫn phải hồi tưởng lại những trận đấu xin - cho hệt như giữa chợ trời của bóng đá bao cấp ngày xưa. Và như thế, một nửa đầu của V-League đẹp bao nhiêu thì một nửa cuối lại xám xịt bấy nhiêu.
Khi cựu vô địch bỏ cuộc chơi
SHB Đà Nẵng lên ngôi vô địch (Ảnh: Đức Phúc)
SHB Đà Nẵng vô địch V-League. Đó là chiến công đích thực, nhưng ngay cả trong “chiến công đích thực” ấy, người ta vẫn nhìn thấy những trạng thái “một nửa” tương phản nhau. Nửa đầu tiên nằm ở sức mạnh nội tại của Đà Nẵng. Và điều này thì chẳng ai bàn cãi, bởi rõ ràng với một dàn cầu thủ “chín đều” lại được bổ sung những nhân tố ngoại cao thủ, Đà Năng vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại.
Thế nhưng ở một nửa còn lại, người ta lại buộc đặt ra câu hỏi: Nếu Bình Dương chịu tăng tốc, và “chịu” lên ngôi sau 2 lần vô địch thì Đà Nẵng có thể đăng quang dễ vậy không?
Rõ ràng là chiến công của Đà Nẵng một phần đến từ sức mạnh của họ, nhưng một phần khác đến từ thời thế. Cái thời mà rất nhiều đại gia, đặc biệt là Bình Dương không "máu" lên ngôi vô địch.
Những án phạt vô tác dụng
Hình ảnh khán giả va chạm với lực lượng cảnh sát trên sân Thống Nhất (Ảnh: Đức Đồng)
Về mặt “kết cấu”, phải nói rằng chưa bao giờ V-League lại có một đội ngũ điều hành qui củ như năm nay. Ở đội ngũ ấy, ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn sắm vai “trưởng giải”, hai ông Dương Nghiệp Khôi, Nguyễn Hữu Bàng sắm vai “phó giải”. Và khi chuẩn bị vào giải, bộ ba này đã không ngừng hứa hẹn về một mùa giải công tâm. Thế nhưng khi giải “chạy” thì nhiều người phải đặt dấu hỏi cho sự công tâm ấy.
Ở lượt về V-League liên tục xảy ra tình trạng khán giả làm loạn trên sân: trận Hải Phòng - TP HCM (sân Lạch Tray), Đồng Tháp - Hải Phòng (sân Cao Lãnh), TP HCM - SLNA (sân Thống Nhất)... Tuy BTC đã tuyên bố ra án phạt để răn đê, nhưng dường như những án phạt đó vẫn chưa phát huy tác dụng. Chẳng hạn như việc cấm khán giả Hải Phòng đến sân khách vô thời hạn - một cái án thoạt nhìn tưởng là “nặng đô”, song kỳ thực lại chẳng có tác dụng nào. Bởi ai cũng hiểu không thể nào phân biệt nổi đâu là khán giả Hải Phòng, đâu không là khán giả Hải Phòng.
V-League 2009 có phải là một mùa giải thành công? BTC chưa trả lời, và có lẽ phải chờ tới Đại hội 6 VFF khai mạc, người hâm mộ mới biết được BTC tự đánh giá ra sao về công sức của mình trong mùa giải qua.
Tráng Anh
Theo Bưu điện Việt Nam