Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ủy viên trung ương mất 8 tháng để làm giấy tờ nhà

“Tôi làm giấy tờ nhà đất ở quận Thanh Xuân mà cũng phải mất 8 tháng mới xong. Người ta đòi hỏi hết giấy khai sinh đến giấy đăng ký kết hôn…", Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đưa ra ví dụ của chính bản thân khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật căn cước công dân sáng 14/7.

Đồng tình với chủ trương cần thiết phải ban hành Luật căn cước công dân, song nhiều đại biểu cũng nêu ra những băn khoăn về một số quy định như thẻ căn cước với 12 chữ số, tuổi cấp thẻ hay thẻ này có thể thay được giấy khai sinh, hộ khẩu không…

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó trưởng ban soạn thảo Luật Căn cước công dân cho biết, theo đề án 896 đang được triển khai, khi luật này được triển khai sẽ bỏ nhiều loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh. Về tính khả thi, qua làm thí điểm ở Hải Phòng, Hà Nội, Tây Ninh… ông Vệ khẳng định dự án cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sẽ thành công. Cơ sở dữ liệu về căn cước đã có đầy đủ và chỉ cần phê duyệt sẽ nhập vào dữ liệu. Cơ sở dữ liệu chỉ quy định với 16 thông tin cơ bản nhất, đặc điểm nhận dạng, vân tay cũng không được đưa vào đây.

Bộ Công an giới thiệu mẫu thẻ căn cước công dân

Ngày 24/4, Bộ Công an đã giới thiệu về hình dáng, quy cách cũng như chất liệu của thẻ căn cước công dân.

Về lý do phải quy định 12 số, theo ông Vệ là để phân biệt giữa nam và nữ, người trong nước và cả các cháu sinh ra ở nước ngoài. Quy định này đã được tham khảo kinh nghiệm ở nhiều nước cũng như ý kiến của Bộ KH&CN, Viện toán học Việt Nam.

Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cho rằng, Luật căn cước công dân là đề án mang tính cách mạng, tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính hiện nay. Nhưng việc triển khai đề án này sẽ vướng đến tư tưởng bảo thủ truyền thống, cần phải khắc phục. Tuy nhiên chủ trương này vừa mang tính cấp bách trước mắt, nhưng cũng vừa mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, vì nó liên quan đến các thủ tục giấy tờ hiện nay.

“Tôi làm giấy tờ nhà đất ở quận Thanh Xuân mà cũng phải mất tới 8 tháng mới làm xong. Người ta đòi hỏi hết giấy khai sinh đến giấy đăng ký kết hôn… Cải cách hành chính là tư tưởng đổi mới rất lớn. Đây là yêu cầu không phải cá nhân mà toàn dân đang bức xúc” - ông Khoa nói.

Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa.
Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa.

Ông Khoa cũng cho biết, ngày 1/7/2014, Thủ tướng đã có yêu cầu tập trung chỉ đạo sớm có cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, tránh tình trạng manh mún, cục bộ. Do vậy Luật này căn cước, nếu có lợi cho nhân dân và đảm bảo tính chính quy chuyên nghiệp thì nên làm. “Giờ cơ sở dữ liệu có hết rồi, chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng là được. Nếu xây dựng chậm dữ liệu quốc gia dân cư là chính chúng ta gây lãng phí. Nếu xây dựng sớm sẽ khắc phục tình trạng manh mún cục bộ mà thông tin lại không thống nhất hiện nay”.

Theo GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là mối liên hệ kết nối để truy cập khai thác sử dụng thông tin trực tuyến. Tuy nhiên theo đề án này, mặc dù là truy cập điện tử nhưng lại được sử dụng bằng tay.

Ông Thi lấy ví dụ với trường hợp giấy khai sinh, khi đứa trẻ được khai sinh sẽ cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu quốc gia mà không phải qua kênh nào nữa thì đó mới là ứng dụng CNTT. “Nếu chuyển cho Bộ công an nhập vào dữ liệu thì còn gì là ứng dụng CNTT nữa. Nếu chúng ta hiểu sai đi thì bao nhiêu tiền của mất hết mà không cải cách được nhiều thủ tục hành chính như chúng ta mong muốn” .

Cũng theo ông Đào Trọng Thi, dù là giấy khai sinh hay thẻ căn cước cũng chỉ là cách gọi thôi. Tuy nhiên, dù có tên gọi thế nào thì cũng chỉ nên cấp một loại. 

Đồng tình với việc cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho rằng, nếu làm được sẽ là cuộc cách mạng, giảm bớt thủ tục giấy tờ trong nhân dân. Tuy nhiên luật này có khả thi, tiết kiệm, hay lãng phí thì lại phụ thuộc rất nhiều vào công tác chỉ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu các vấn đề: Khi làm xong luật này sẽ loại bỏ được bao nhiêu giấy tờ và còn tồn tại mấy loại giấy tờ? Lúc đó chỉ còn một loại giấy tờ duy nhất, hay vẫn phải chấp nhận một số giấy tờ khác? Ban soạn thảo cần phải nói rõ để cả xã hội biết đây là một cuộc cách mạng, một sự thay đổi lớn. Với nguồn lực hiện nay, bà Mai cũng tỏ ra e ngại vì không biết chủ trương này khi thực hiện sẽ tốn bao nhiêu tiền?

Đánh giá cao việc triển khai luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, đây làm một cuộc cải cách, đổi mới thể chế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên đã đổi mới thì phải chắc chắn. Hiện cũng chưa ai hình dung nổi luật này khi ra đời sẽ có chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng hạn với giấy khai sinh đi đâu cũng “bị hỏi”, nên theo Chủ tịch Quốc hội khi có luật này thì phải cắt hết các loại giấy tờ gây phiền hà trong nhân dân.

infonet.vn/chu-nhiem-ubqpan-toi-lam-giay-to-nha-dat-cung-phai-mat-8-thang-post137936.info

Theo Nguyễn Dũng/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm