Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trở lại Việt Nam

Lần thứ hai trong năm, ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam đồng chủ trì phiên họp Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương cùng Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Nhận lời mời của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc thăm Việt Nam từ ngày 26 - 27/10. Sáng nay, 2 ông chủ trì phiên họp lần thứ 7 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Dương Khiết Trì sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đây là lần thứ hai trong năm ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đến Việt Nam. Hồi tháng 6, ông vị này đã  đến Hà Nội trong cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Đưa quan hệ hòa dịu trở lại

Chuyến thăm đánh dấu thêm những nỗ lực của hai nước trong việc cải thiện quan hệ song phương, đưa quan hệ trở lại hòa dịu. Phía Việt Nam trong những tháng qua liên tiếp có các chuyến thăm, tiếp xúc, trao đổi với phía Trung Quốc. 

Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Hồi tháng 5, khi vụ việc giàn khoan đang diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam từng có cuộc song phương với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Myanmar.

Vào cuối tháng 8, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã đến thăm Trung Quốc với danh nghĩa là đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chuyến thăm này đáng chú ý khi diễn ra không lâu sau thời điểm Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của VN và hai bên đã nhất trí khôi phục và tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại.

Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu quan điểm Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với Việt Nam và sẽ cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cố gắng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung tiếp tục phát triển; cũng như nỗ lực duy trì quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định; chỉ đạo thực hiện tốt các nhận thức chung nhằm khôi phục và phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tiếp đó, trong tháng 9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đi dự hội nghị ASEAN-Trung Quốc và hội nghị thượng đỉnh đầu tư thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 11 tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc và lãnh đạo tỉnh Quảng Tây. Việc tham dự các hoạt động cho thấy sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác ASEAN - Trung Quốc nói chung, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói riêng.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 18/6.

Ngay trong tháng 10, ngoài chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, bên lề hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Milan, Italy hôm 16, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Một lần nữa thông điệp tiếp tục củng cố quan hệ với Trung Quốc tiếp tục được nhấn mạnh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân VN quý trọng giữ gìn và mong muốn củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.

Thủ tướng đề nghị hai bên duy trì gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao để tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, kịp thời chỉ đạo giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước.

Vấn đề tranh chấp Biển Đông chi phối mạnh quan hệ hai nước thời gian qua, vụ việc giàn khoan đã tạo ra những tác động đáng kể trong cục diện xử lý những tranh chấp trên biển giữa hai nước.

Song Việt Nam luôn nhấn mạnh việc thực hiện "Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà 2 bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.

Năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ. Giới quan sát kỳ vọng hai bên sẽ có những chuyến thăm trao đổi đoàn các cấp. Nhất là trong chuyến thăm Trung Quốc, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã chuyển lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ sang Trung Quốc

Đó là thông tin được ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ ngày 11/9.

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/203954/uy-vien-quoc-vu-duong-khiet-tri-tro-lai-vn.html

Theo Linh Thư/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm