Sau khi chịu tổn hại nặng nề từ tên lửa hành trình Nga, Ukraine kêu gọi các nước phương Tây chuyển giao các hệ thống vũ khí tầm xa mới để có thể đáp trả. Yêu cầu này đã được đáp ứng.
Hôm 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết nước này đã nhận được lô tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch. Theo ông Reznikov, loại vũ khí này sẽ được sử dụng trong nỗ lực phá vỡ thế phong tỏa biển Đen và bảo vệ thành phố cảng Odessa, song song với tên lửa Neptune do Kyiv tự chế tạo.
“Tên lửa Harpoon sẽ được đưa đến tay những đơn vị Ukraine đã qua đào tạo, giúp tăng cường hàng phòng ngự bờ biển của đất nước ta”, ông Reznikov thông báo trên Facebook, theo Reuters.
Vũ khí diệt hạm
Tên lửa Harpoon - vũ khí do Mỹ sản xuất - được các đối tác cam kết viện trợ cho Ukraine trong cuộc họp trực tuyến trong tháng 5 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, tập hợp bao gồm hơn 40 quốc gia viện trợ quân sự cho Kyiv.
Đây là diễn đàn để ông Reznikov và giới chức quân sự Ukraine liệt kê các loại vũ khí, khí tài mà họ mong muốn nhận được từ phương Tây.
Ukraine đã nhận được lô tên lửa Harpoon đầu tiên từ Đan Mạch. Ảnh: Naval Technologies. |
“Tôi rất biết ơn Đan Mạch, quốc gia tuyên bố sẽ gửi bệ phóng và tên lửa Harpoon để giúp Ukraine bảo vệ bờ biển của mình”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với báo giới hôm 23/5.
Lô tên lửa Harpoon mà Ukraine mới nhận được từ Đan Mạch đã được lưu kho ít nhất từ năm 2003, khi Copenhagen ngừng sử dụng, Forbes cho biết.
Được Mỹ phát triển từ thập niên 70 của thế kỷ trước, Harpoon là loại tên lửa diệt hạm tầm xa hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có thể được bắn từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay hoặc bệ phóng trên bờ biển.
Theo cựu đại tá hải quân Mỹ Chris Carlson, tên lửa Harpoon có thể giúp Hải quân Ukraine tăng cường tầm hoạt động nhằm chống lại các tàu thuộc Hạm đội biển Đen của Nga, USNI News đưa tin.
Loại tên lửa này giúp giảm áp lực lên lục quân Ukraine bảo vệ Odessa trước nguy cơ Hạm đội biển Đen tổ chức một cuộc đổ bộ từ hướng biển. Qua đó, Kyiv có thể điều lực lượng này tới vùng chiến sự ở phía đông đất nước.
Ngoài ra, các căn cứ hậu cần của Hạm đội biển Đen tại Sevastopol cũng có thể bị đe dọa, ảnh hưởng tới khả năng bổ sung tên lửa cho tàu chiến Nga sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
“Nếu Ukraine có thể thiết lập năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) bằng các tên lửa đất đối hạm và tấn công thành công lực lượng hải quân Nga đi vào khu vực A2/AD, cuộc phong tỏa của Nga có thể sẽ kết thúc và các hành lang vận tải sẽ được mở”, nhà phân tích Tayfun Ozberk viết trên USNI News.
Tăng cường viện trợ
Ngoài tên lửa Harpoon, các đối tác phương Tây cũng đã chấp thuận viện trợ cho Ukraine một số loại vũ khí tầm xa khác. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị gửi các hệ thống pháo phản lực tầm xa cho Kyiv, Washington Post đưa tin hôm 27/5. Tuyên bố chính thức có thể được Washington đưa ra ngay trong tuần tới.
Pháo phản lực tầm xa là một trong những yêu cầu hàng đầu được giới chức Ukraine đưa ra. Đề xuất này đã được Thủ tướng Anh Boris Johnson ủng hộ, theo Guardian. Dù vậy, ông Johnson không cho biết Anh có gửi Ukraine các hệ thống pháo phản lực M270 của nước này hay không.
Một hệ thống pháo phản lực tầm xa của quân đội Mỹ. Ảnh: AFP. |
Về phần mình, Điện Kremlin cảnh báo mọi quốc gia cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine sẽ phải trả giá. Phản ứng trước thông tin Mỹ sắp gửi pháo phản lực tầm xa tới Ukraine, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov kêu gọi Mỹ chấm dứt hành động bơm vũ khí “vô nghĩa” và “đặc biệt nguy hiểm” cho Kyiv, Newsweek đưa tin.
Một số quan chức Nhà Trắng cũng bày tỏ quan ngại lực lượng Ukraine có thể sử dụng vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga, gây leo thang xung đột. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mối lo ngại này có thể được chuyển tới lãnh đạo Ukraine.
Pháo phản lực tầm xa sẽ là một trong các loại vũ khí uy lực nhất mà phương Tây gửi cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát. Quân đội Ukraine đang sử dụng lựu pháo M777 của Mỹ, vốn có tầm bắn chỉ 18 dặm (khoảng 29 km). Trong khi đó, phiên bản phổ thông của pháo phản lực tầm xa là 43 dặm (khoảng 69 km).
Nếu sử dụng loại tên lửa đặc biệt, hệ thống này thậm chí có thể đạt tầm bắn 186 dặm (300 km). Dù vậy, một quan chức cấp cao tại Washington cho biết Nhà Trắng có thể không cung cấp các loại tên lửa có tầm bắn xa nhất cho Ukraine để giảm thiểu nguy cơ leo thang, theo Washington Post.