Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uy lực tên lửa đáng gờm nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine

Hệ thống tên lửa phóng loạt có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 80 km, có thể tác động lớn đến tình hình chiến sự ở Ukraine.

Trong số những lô vũ khí trị giá hàng tỷ USD mà Nhà Trắng vận chuyển cho Ukraine, M142 HIMARS - hệ thống tên lửa phóng loạt tiên tiến - thu hút sự chú ý nhiều hơn cả. Đây là bệ phóng đặt trên xe tải nặng 5 tấn, có thể bắn tên lửa dẫn đường tầm xa.

Ukraine hiện có 26 bệ phóng di động tiên tiến, bao gồm 16 hệ thống HIMARS của Mỹ và 10 bệ phóng M270 cũ hơn do Mỹ sản xuất, được Anh và Đức cung cấp.

Hôm 8/9, tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết các cuộc không kích của HIMARS đã đánh trúng hơn 400 mục tiêu của Nga, bao gồm sở chỉ huy và kho đạn.

Một yếu tố khác quan trọng không kém là loại tên lửa mà hệ thống HIMARS phóng ra: Tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS).

Tướng Milley ngày 8/9 cho biết Lầu Năm Góc đã cung cấp "hàng nghìn" tên lửa GMLRS cho Kyiv, nhưng số lượng chính xác mà lực lượng Ukraine đã sử dụng vẫn chưa rõ ràng.

ten lua GMLRS anh 1

Tên lửa GMLRS bắn từ bệ phóng HIMARS tại dãy núi Chocolate, California, vào ngày 9/12/2020. Ảnh: USMC.

GMLRS được tạo ra như thế nào?

GMLRS là một loại tên lửa pháo binh - vũ khí gây nổ có thể được phóng riêng lẻ hoặc hàng loạt, bằng động cơ sử dụng nhiên liệu rắn.

Quân đội Mỹ lần đầu sử dụng tên lửa pháo binh vào Thế chiến II. Vũ khí này có thể tấn công mục tiêu bằng đầu đạn phát nổ dễ dàng hơn nhiều so với việc sử dụng một số lượng lớn lựu pháo.

Sau Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ hầu như đã từ bỏ loại vũ khí này. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bắt đầu phát triển một phiên bản mới vào những năm 1980, với mục đích tiêu diệt hàng chục nghìn xe tăng và xe bọc thép có thể sử dụng trong cuộc giao tranh ở Tây Âu.

Loại tên lửa pháo binh mới đó được gọi là MLRS - hệ thống tên lửa phóng loạt cải tiến. Tên lửa của nó được bắn ra từ các bó ống phóng nạp sẵn, gọi là "pod", có thể thay thế hoặc loại bỏ đồng loạt, trong khi các thế hệ bệ phóng cũ hơn phải nạp đạn thủ công từng tên lửa một.

Mỗi “pod” chứa 6 tên lửa M26, và mỗi tên lửa mang theo 644 quả bom chùm giống như lựu đạn, có thể xuyên thủng lớp giáp của xe tăng đối phương.

Mỹ lần đầu sử dụng loại bom, đạn chùm này vào năm 1991, trong Chiến tranh Vùng Vịnh, với 17.000 tên lửa M26 bắn vào quân đội Iraq. Tuy nhiên, loại bom chùm này có tỷ lệ hỏng cao và để lại những mảnh vụn nguy hiểm, có thể phát nổ nếu xử lý sai.

Hàng chục lính Mỹ đã thiệt mạng hoặc bị thương khi gặp phải những quả bom từ MLRS. Do đó, Lầu Năm Góc đã quyết định loại bỏ dần rocket M26 để chuyển sang một loại vũ khí mới tốt hơn, được gọi là GMLRS.

GMLRS khác gì so với những vũ khí trước đây?

Ban đầu, Lầu Năm Góc muốn có hai tên lửa để thay thế M26 - một loại có khả năng ném bom chùm đáng tin cậy hơn và một loại phát nổ một lần. Cả hai đều có tầm bắn xa và khả năng dẫn đường chính xác hơn M26.

Tuy nhiên, loại tên lửa có bom chùm, được gọi là M30, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về độ tin cậy và bị loại bỏ vào năm 2013. Từ đó, tên lửa M31, mang 90 kg chất nổ và sử dụng tín hiệu GPS để tìm mục tiêu, là tên lửa tầm xa chính của quân đội Mỹ.

M31, dài khoảng 4 m và đường kính khoảng 22 cm, có thể được bắn từ M142 HIMARS hay các bệ phóng M270 cũ hơn, mang lại cho binh sĩ Ukraine khả năng tấn công chính xác với sức công phá lớn.

Tại sao vũ khí này có tác động lớn đến chiến sự?

Với kinh nghiệm sử dụng tên lửa pháo binh, binh sĩ Ukraine đã nhanh chóng thành thạo cả HIMARS và GMLRS. Họ tận dụng lợi thế tốc độ của bệ phóng để di chuyển nhanh đến các mục tiêu mới, khai hỏa, nạp đạn nhanh, và rời đi trước khi pháo binh Nga có thể nhắm vào vị trí của họ.

Tên lửa của Mỹ có tầm bắn lớn hơn các loại vũ khí thời Liên Xô mà binh sĩ Ukraine đã sử dụng trước đây, và chúng sớm có thể tấn công các mục tiêu mà đối phương cho là an toàn ngoài tầm bắn, chẳng hạn kho vũ khí và sở chỉ huy.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở chỉ huy có thể làm gián đoạn liên lạc, khiến các chỉ huy quân sự phải thay đổi vị trí liên tục, gây khó khăn cho việc chỉ đạo hoạt động tác chiến.

Su-35S và Su-30SM Nga phóng tên lửa vào mục tiêu của Ukraine Bộ Quốc phòng Nga hôm 22/7 tung video cho thấy các máy bay Su-35S và Su-30SM của nước này phóng tên lửa vào máy bay, trạm radar và hệ thống phòng không Ukraine.

Ông Blinken bất ngờ đến Kyiv

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 8/9 bất ngờ đến thủ đô Kyiv của Ukraine trong thời điểm Mỹ công bố thêm gói viện trợ 2,7 tỷ USD giúp nước này.

Đảng cầm quyền Nga đề xuất ngày bỏ phiếu sáp nhập Donetsk, Lugansk

Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (UR) đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 4/11 để sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine hiện nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Moscow.

Hải Linh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm