Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ủy hội Mekong: Mực nước hiện tại ở lưu vực sông Mekong là nguy cấp

Nước sông Mekong thấp kỷ lục tuần qua đe dọa làm mất đi nguồn cá cho 60 triệu người. Trao đổi với Zing.vn, Ủy hội sông Mekong thông tin thêm, đề xuất giải pháp cho vấn đề này.

Mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục do lượng mưa thấp, thời tiết khô nóng, và đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giảm lượng xả, theo thông cáo ngày 18/7 của Ủy hội sông Mekong. Trước tình hình này, Thái Lan ngày 19/7 yêu cầu Lào ngưng thử nghiệm đập Xayaburi.

Nhưng cũng vào ngày 18/7, lượng xả ở đập Cảnh Hồng tăng từ khoảng 500 m3/s lên 1.000 m3/s, theo tổ chức dân sự Mekong Butterfly của Thái Lan.

“Theo thông tin mới, vào tối 18/7, chúng tôi nhận thấy dòng chảy từ đập Cảnh Hồng tăng lên. Mực nước tăng 0,06 m và vẫn đang tăng. Ở quận Chiang Saen (phía bắc tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan - PV), mực nước tăng nhẹ khoảng 0,27 m”, đại diện của Ủy hội sông Mekong, bà Sopheak Meas xác nhận trong văn bản gửi Zing.vn. “Xuống đến thủ đô Luang Prabang của Lào, mực nước vẫn chưa thay đổi”.

Ủy hội sông Mekong là cơ quan liên chính phủ thúc đẩy, điều phối việc quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong một cách bền vững. Thành viên của tổ chức này bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Đại diện Ủy hội sông Mekong và các chuyên gia cho rằng mực nước giảm trên sông Mekong có thể gây hại lớn cho hệ thủy sinh, đe dọa nguồn sống của hàng chục triệu người dân trong vùng.

song Mekong xuong thap ky luc anh 1
Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan ngày 19/7 đã đề nghị Lào ngừng hoạt động thử nghiệm đập thủy điện Xayaburi vì nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục. Ảnh: Chiangrai Times.

Nước Mekong xuống thấp, hàng chục triệu dân bị ảnh hưởng

Theo Ủy hội, thượng lưu sông Mekong ở Trung Quốc đóng góp 16% dòng chảy ở hạ lưu trong mùa mưa và 25% vào mùa khô.

“Dựa trên dự báo lượng mưa từ vệ tinh và các cơ quan liên quan, từ cuối tháng 7 đến tháng 9 sẽ có bão nhiệt đới đi qua khu vực Mekong, mang theo lượng mưa lớn. Vì vậy, tình hình sẽ cải thiện.”

Tình trạng khô hạn, mực nước giảm trên sông Mekong có thể gây hại lớn cho hệ thủy sinh, đe dọa nguồn sống của hàng chục triệu người dân trong vùng.

“Mực nước thấp đang khiến cá chết vì chúng không thể vào các nhánh sông và đẻ trứng trong các rừng ngập nước, có nghĩa cả một thế hệ cá sẽ biến mất”, trang tin Eleven Myanmar dẫn lời Narit Art-harn, đại diện người dân tỉnh Bueng Kan đông bắc Thái Lan.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, nói với Zing.vn rằng “lượng nước vào Việt Nam không còn đủ để lẩy lượng mặn ra. Độ mặn cao sẽ ảnh hưởng đến canh tác, các vùng trồng lúa, đến nhu cầu nước sinh hoạt”.

“Mực nước thấp như hiện nay ở lưu vực sông Mekong được coi là nguy cấp. Lượng chảy giảm có khả năng gây hại cho thủy sản, hệ sinh thái nhưng vẫn cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ liệu những tác động này có đáng kể không và cần có biện pháp gì”, Ủy hội sông Mekong trả lời Zing.vn.

song Mekong xuong thap ky luc anh 2
Dòng sông Mekong đoạn qua biên giới Thái Lan - Lào ở Chiang Rai tháng 7/2019. Ảnh: Bangkok Post.

Cuộc khủng hoảng lượng nước trên sông Mekong là hồi chuông cảnh báo về tác động của hàng loạt đập thủy điện dọc sông, được xây ở thượng nguồn (Trung Quốc) và đang lên kế hoạch ở hạ lưu (Lào, Campuchia).

Nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, thực hiện từ năm 2012-2017, cho thấy “11 dự án đập thủy điện ở dòng chính sông Mekong đoạn hạ lưu, và 120 dự án đập khác ở các sông nhánh, sẽ được xây trước 2040, sẽ đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực trong vùng”, theo bản tóm tắt được công bố bởi International Rivers, tổ chức bảo vệ các dòng sông và cộng đồng ven sông.

Theo đó, các đập này sẽ giảm lượng phù sa xuống vùng đồng bằng châu thổ tới 97%. Hệ thủy sinh sẽ bị giảm 35-40% vào năm 2020, và 40-80% vào năm 2040. Nguồn cá ở Việt Nam có thể giảm 30%.

“Phù sa và lượng cá về vùng đồng bằng sẽ ít đi, thay vào đó tích tụ ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ít phù sa dẫn đến sạt lở gia tăng và đất kém phì nhiêu”, ông Tuấn từ Đại học Cần Thơ nói khi được hỏi về tác động của các đập thủy điện.

Khi được hỏi về những tác động này, Ủy hội sông Mekong cho biết “đang lập Chương trình Theo dõi Chung, theo dõi tác động của đập, để đề nghị biện pháp khắc phục nếu phát hiện tác động tiêu cực”. Ủy hội ghi nhận “nỗ lực đáng kể của chính phủ Lào và nhà đầu tư, thay đổi thiết kế của đập nhằm giảm nhẹ tác động”.

song Mekong xuong thap ky luc anh 3
Cảnh khô hạn tại đoạn sông Mekong qua tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan vào ngày 21/7. Ảnh: Bangkok Post.

Ủy hội sông Mekong cũng kêu gọi các đập thủy điện nối tiếp nhau trên dòng Mekong thực hiện các biện pháp kỹ thuật giảm nhẹ tác động, đồng thời phối hợp chặt chẽ khi vận hành để tránh những tác hại “chồng chất” lên hạ lưu.

Một bản đồ do Bangkok Post công bố cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành 10/11 dự án đập, còn Lào - Campuchia đang xây 2 trên tổng số 11 dự án đập khác, đều trên dòng chính của sông Mekong.

“Thứ nhất, quy trình vận hành cần xác định chỉ tiêu môi trường đối với dòng chảy xuống hạ lưu, làm sao đảm bảo lượng chảy tối thiểu xuống hạ lưu. Kiểm soát các nguy cơ khi bật hay tắt nhiều turbine, nhất là trong mùa khô”, Ủy hội cho biết.

“Thứ hai, cần có hệ thống cảnh báo khi tràn đập hay nước dâng quá cao. Thứ ba, cần phối hợp giữa các đập nối tiếp nhau trên dòng chính của sông Mekong... Cần có quy tắc chung về kiểm soát lũ lụt, xả lũ, phối hợp thời điểm bảo trì, phối hợp thời điểm xả phù sa, và có quy tắc chung về vận hành âu tàu”.

Âu tàu còn gọi là “hệ thống khóa nước”, cơ chế có thể khiến mực nước dâng lên hạ xuống, giúp tàu bè đi lại giữa hai đoạn sông có mực nước khác nhau.

Ủy hội cho biết đã công bố bản hướng dẫn đối với các đập thủy điện trên dòng Mekong và các sông nhánh, "giúp các chủ đầu tư tiếp cận một cách nhất quán về việc giảm thiểu tác động, đồng thời đặt ra chỉ tiêu hoạt động nhằm khuyến khích chủ đầu tư tìm giải pháp tối ưu".

Khẩu hiệu của Trung Quốc là vô nghĩa

Trao đổi với Zing.vn, Ủy hội sông Mekong cho biết các nước chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng mực nước sông Mekong đang nỗ lực hợp tác với nhau và với nước thượng nguồn Trung Quốc.

“Các nước đang cùng nhau thực thi Kế hoạch Hành động và Chiến lược Thích ứng với Biến đổi Khí hậu cho vùng Mekong, thông qua các dự án chung như dự án giữa Thái Lan và Campuchia chống lũ và hạn hán. Sau này sẽ là việc thực thi Chiến lược Kiểm soát Hạn hán”.

song Mekong xuong thap ky luc anh 4
Một ngư dân đang kéo lưới ở tỉnh Kandal của Campuchia. Dòng sông Mekong là nguồn sống của hàng chục triệu người, nhưng đang chịu đe dọa từ các đập thủy điện của Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trung Quốc những ngày qua đã hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt từ các nhóm xã hội dân sự Thái Lan.

Tổ chức dân sự Mekong Butterfly cho rằng 8 đập thủy điện ở Trung Quốc là thủ phạm chính gây tình trạng nước sông xuống thấp kỷ lục khi đã giữ lại hơn 40 tỷ m3 nước phục vụ phát điện, tưới tiêu, theo trang tin Thai PBS World.

“Chính phủ Trung Quốc cần lắng nghe các lo ngại và đề nghị (từ hạ lưu). Các khẩu hiệu như ‘cùng có lợi’ hay ‘chúng ta uống chung dòng nước’ là vô nghĩa; xã hội dân sự và cộng đồng biết điều đó”, theo Steph Jensen-Cormier, giám đốc văn phòng Trung Quốc của International Rivers.

Bà đang nhắc đến những câu trong bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị Hợp tác Lan Thương - Mekong lần thứ nhất năm 2016.

“Các khẩu hiệu như trên chỉ khiến người dân bức xúc hơn vì trên thực tế không được như vậy”, bà viết cho Zing.vn qua email.

Bà Jensen-Cormier cho rằng với việc thay đổi dòng chảy, những đập thủy điện của Trung Quốc đang “khiến vùng đồng bằng châu thổ bị kiệt quệ phù sa và các dinh dưỡng quan trọng (cho hệ sinh thái)... làm giảm quần thể cá, nguồn thức ăn quan trọng cho 60 triệu người”.

Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu An ninh - Quốc tế (ISIS) và Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, chỉ ra rằng Trung Quốc không phải thành viên của Ủy hội (cũng như Myanmar), mà đề ra sáng kiến Hợp tác Lan Thương - Mekong (LMC), mới chỉ tồn tại vài năm nay.

“LMC là nơi để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác theo cách họ muốn. LMC chưa giải quyết triệt để cơ chế quản lý, mà chỉ quản lý nguồn nước dựa vào thiện chí của Trung Quốc: nếu Trung Quốc muốn xả nước, hạ lưu sẽ có nhiều nước hơn, nếu không hạ lưu sẽ khô cằn vào mùa khô”, ông Thitinan nói với Zing.vn.

“LMC không phải là cơ chế hiệu quả cho vấn đề này”.

NGO Thái: Nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục vì 8 đập thủy điện của TQ

Nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục trong những ngày qua sẽ ảnh hưởng đáng kể tới Đồng bằng sông Cửu Long. Các đập thủy điện có tác động lớn và hàng chục đập mới sẽ được xây thêm.

Nước sông Mekong thấp kỷ lục, Thái Lan muốn Lào dừng thử đập thủy điện

Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan đề nghị Lào ngừng hoạt động thử nghiệm đập thủy điện Xayaburi vì mực nước sông Mekong thấp ở mức báo động.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm