Sáng 28/10, rất đông người dân đã kéo lên bao vây UBND xã Yên Tâm (huyện Yên Định, Thanh Hóa) để gây áp lực, yêu cầu chính quyền tiến hành cưỡng chế, buộc trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm đóng tại địa bàn phải di dời đi nơi khác.
Vụ việc căng thẳng đến nỗi chính quyền địa phương phải huy động hàng chục cảnh sát để ổn định tình hình. Việc người dân bao vây cổng ủy ban xã khiến hoạt động của cơ quan hành chính này hầu như tê liệt.
Theo ghi nhận, trước cổng UBND xã Yên Tâm thu hút đến gần nghìn người tụ tập, phản đối. Những người này mang theo cả băng rôn phản đối, và dựng lều ngủ qua đêm.
Một ngày trước, UBND huyện Yên Định đã mời đại diện của người dân và chủ trang trại lên làm việc. Tuy nhiên, đại diện cơ sở gây ô nhiễm không có mặt. Trong cuộc đối thoại này, UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra hạn chót để chủ trang trại di dời đàn lợn là hết ngày 30/11/2014.
Khi việc dựng lều bao vây trang trại nuôi lợn chưa chấm dứt, sáng 28/10, người dân lại tiếp tục kéo đến bao vây công sở xã Yên Tâm nhằm gây áp lực buộc chính quyền yêu cầu chủ trang trại di dời cơ sở. Ảnh: Duy Cảnh. |
Tuy nhiên, người dân xã Yên Tâm không nhất trí với đề xuất trên và yêu cầu lãnh đạo huyện phải cưỡng chế, di dời đàn heo của doanh nghiệp ra khỏi địa phương ngay lập tức. Chỉ khi nào di dời đàn heo khỏi trang trại gây ô nhiễm, họ mới ngưng bao vây phản đối.
“Việc chủ trang trại không chịu di dời cơ sở theo đúng cam kết là coi thường pháp luật và mạng sống người dân. Mỗi ngày, chúng tôi đặc biệt là phụ nữ, trẻ em phải sống chung với ô nhiễm do phân lợn gây ra, mùi hôi thối len lỏi từng nhà nên không thể nào chịu được nữa”, một người dân cho hay.
Trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Thành Chinh, Phó giám đốc Công ty TNHH P.N.T (chủ sở hữu trang trại lợn này) cho biết, sau lần người dân bao vây phản đối trại lợn xảy ra hồi tháng 4 vừa qua, công ty đã triển khai nhiều biện pháp cải tạo môi trường như xây thêm hầm bio-gas, nâng cấp hệ thống khử mùi.
Về lý do chưa di dời hết đàn lợn trước 24/10 như cam kết, ông Chinh trần tình, doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất nên chưa thể đáp ứng hạn chót.
“Đã là chăn nuôi thì không tránh khỏi việc có mùi đặc trưng, chúng tôi đã hạn chế tối đa những tồn tại trước đó và được cơ quan chức năng ghi nhận nỗ lực. Nguyện vọng của doanh nghiệp là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, thân thiện với môi trường và người dân…”, ông Chinh nói.
Trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm có quy mô đăng ký ban đầu là 1.200 con lợn nái giống. Một thời gian sau đó, công ty này tiếp tục cơi nới, nâng đàn lợn thương phẩm lên gần 5.000 con. Từ đó, môi trường của khu vực bắt đầu bị ô nhiễm.
Tháng 4 năm nay, người dân địa phương từng dựng lều phản đối trại chăn nuôi này do ô nhiễm môi trường.