Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đinh tai nhức óc với tiếng ồn ở Sài Gòn

Cửa hàng điện thoại khai trương, phát nhạc và các thông báo trên loa công suất lớn. Cửa hàng thời trang SC cũng “không chịu thua”, họ vặn loa lớn hơn và mang cả thùng loa ra ngoài.

Ngày 16/10, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường kiểm tra xử lý ô nhiễm tiếng ồn, độ rung tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP.HCM.

Sau khi có chỉ đạo này, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho biết đang triển khai xây dựng kế hoạch để bắt đầu “chiến dịch” ra quân chống ô nhiễm tiếng ồn đô thị. Dự kiến bản kế hoạch sẽ hoàn thành cuối năm nay. Tuy nhiên, việc chống ô nhiễm tiếng ồn không hề đơn giản.

Tiếng ồn bủa vây

Đã gần 18h nhưng những tiếng “ình, ình” nặng nề vẫn vang lên đều đặn làm căn nhà bà Lý Thị Sen (ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) như muốn rung lên. Bên kia, chỉ cách một vách tường, cơ sở sản xuất bao bì ĐD vẫn đang hoạt động. Tiếng máy móc, động cơ rền vang, ầm ĩ, ngồi trong nhà phải nói chuyện thật lớn tiếng mới nghe được.

Một cặp loa với tiếng nhạc phát ra ầm ầm khiến mọi người xung quanh không ai chịu nổi trên đường Nguyễn Trãi, P.3, Q.5, TP.HCM.

Vậy mà bà Sen cho biết: “Hôm nay vậy là đỡ rồi. Mới chiều hôm qua không biết máy móc bị sao mà kêu ầm ĩ, nghe đinh tai nhức đầu không chịu nổi. Lúc nằm ngủ dưới sàn, tôi cảm giác đầu mình rung lên”.

Bà kể mỗi khi cơ sở này sử dụng máy bế để dập giấy, bức tường sát vách không cản nổi âm, tấm kính cửa sổ như rung rinh theo. Do ở nhà nội trợ nên bà phải bấm bụng chịu đựng cảnh này liên tục từ 8h-17h30 hằng ngày.

Còn những hộ dân đầu hẻm 69 Nguyễn Trãi (phường 2, quận 5) thì vô tình trở thành nạn nhân cuộc “đấu loa” công suất lớn của 2 cửa hàng kinh doanh đối diện nhau. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (tổ trưởng tổ phố) cho biết trước đây shop thời trang SC có mở nhạc nhưng âm lượng nhỏ.

Cách đây hơn một tháng cửa hàng điện thoại khai trương, hằng ngày phát nhạc và các thông báo trên loa với công suất lớn. Lúc này, cửa hàng thời trang SC cũng “không chịu thua”, họ vặn loa lớn hơn và mang cả thùng loa ra đặt trước cửa tiệm.

Những câu chuyện tương tự như trên không phải là hiếm, mà dễ dàng bắt gặp ở rất nhiều nơi. 

Phó chủ tịch UBND một phường thuộc quận Tân Bình cho biết thời gian gần đây, số vụ việc người dân phản ảnh về tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường có xu hướng tăng lên. “Tiếng ồn đang trở thành một vấn đề ảnh hưởng thường xuyên đến đời sống người dân”, vị  này nói.

Chống ồn ra sao?

“Đã tới lúc rồi”, ông Cao Tung Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, nói như vậy để khẳng định sự cần thiết của việc chống ô nhiễm tiếng ồn đô thị tại TP.HCM. 

“Ô nhiễm tiếng ồn đã trở nên quá phổ biến, ngay bản thân tôi cũng là một nạn nhân khi quán ăn bên cạnh nhà mở dịch vụ “hát với nhau” ầm ĩ, không nghỉ ngơi hay tập trung làm việc được.

Trong bản kế hoạch mà chi cục đang xây dựng sẽ ghi nhận rất cụ thể và chi tiết về tiếng ồn đô thị, phân loại từng khu vực và lĩnh vực phát sinh nhiều tiếng ồn để từ đó có biện pháp xử lý thích hợp”, ông Sơn cho hay.

Tuy nhiên, thực tế công tác chống ô nhiễm tiếng ồn thời gian qua cho thấy đây không phải là việc đơn giản. Những người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều có phản ảnh chung: việc gây ồn ào chủ yếu vào ban đêm, khi đó phường đã nghỉ làm việc; còn khi phường đến kiểm tra họ vặn nhạc nhỏ lại hoặc ngưng bớt một số máy móc, nên kết quả đo độ ồn thường không đúng với thực tế thường xuyên diễn ra.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó chủ tịch UBND phường An Lạc A (quận Bình Tân) chia sẻ: “Việc kiểm tra theo phản ảnh của người dân rất khó khăn vì đây là một dạng ô nhiễm vô hình, không trực tiếp nhìn thấy hay nắm bắt được.

Do không có bằng chứng cụ thể nên dù rất hiểu những bức xúc của người dân, chúng tôi cũng rất khó xử lý. Đó là chưa kể các chủ cơ sở kinh doanh gây ồn ào còn chây ì, phường xử phạt hành chính xong rồi họ lại tiếp tục mở nhạc lớn”.

Theo quy định hiện nay, UBND xã phường là cơ quan đầu tiên tiếp nhận phản ảnh của người dân về tiếng ồn, nhưng xã phường lại không được trang bị máy đo độ ồn mà phải nhờ sự hỗ trợ của phòng tài nguyên môi trường quận huyện, hoặc vận động người dân tự thuê đơn vị độc lập để đo rồi tự chi trả các chi phí. Do thiếu máy móc, thiết bị và quy trình xử lý như vậy nên ở nhiều nơi người dân phải chịu đựng tiếng ồn vượt mức cho phép trong thời gian dài.

Tuy nhiên, với dạng ô nhiễm này, PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn - người nhiều năm nghiên cứu về ô nhiễm tiếng ồn - cho rằng không khó xử lý nếu như chính quyền địa phương quyết tâm. Những cơ sở nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì có thể đình chỉ hoạt động, di dời, đóng cửa... theo quy định của pháp luật.

Điều mà ông Tuấn trăn trở nhất là việc xử lý tiếng ồn từ giao thông. “Đây là nguồn phát sinh tiếng ồn chính ở TP.HCM hiện nay, nhưng việc giải quyết lại phụ thuộc hoàn toàn vào vấn đề phát triển giao thông đô thị. Đây thật sự là vấn đề chưa có lối ra. Nó chỉ có thể được giải quyết từ từ cùng với quá trình quy hoạch lại giao thông, phân bố lại dân cư rất lâu dài”, ông Tuấn nói.

Mức phạt lên đến 170 triệu đồng

Theo quy định tại nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt tối đa đối với vi phạm về tiếng ồn, độ rung có thể lên tới 170 triệu đồng, với hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động tối đa 12 tháng.

Ngoài ra, các cơ sở này còn buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu độ rung đạt quy chuẩn kỹ thuật, chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định mức.

Điểm b, khoản 1, điều 9, thông tư 28/2011 quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn, các khu vực phải đo tiếng ồn bao gồm khu vực cần đặc biệt yên tĩnh: bệnh viện, thư viện, nhà điều dưỡng, nhà trẻ, trường học; khu dân cư, khách sạn, nhà ở, cơ quan hành chính; khu vực thương mại, dịch vụ; khu vực sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Tiếng ồn gây điếc và bệnh thuộc thần kinh

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, phó khoa thần kinh Bệnh viện 175, cho biết trong điều kiện độ ồn lớn và liên tục, người dân có thể bị ảnh hưởng đến thính giác, ù tai, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, tim mạch, cáu gắt...

Khi cường độ âm thanh quá lớn, tai có một số cơ chế để tự bảo vệ như co cơ búa và cơ bàn đạp, giảm sức căng của màng nhĩ. Cường độ âm thanh ở 35dB là mức bình thường. Tuy nhiên với môi trường tiếng ồn là 65dB, tai có thể bị tổn thương, trên 75dB có gây sinh non ở phụ nữ mang thai, tăng đến 85-90dB có thể gây điếc. Điếc tạm thời hay vĩnh viễn sẽ phụ thuộc thời gian tác động của tiếng ồn đến thính giác.

Theo bác sĩ Ca, có một số quy chuẩn về tiếng ồn theo từng khu vực. Đối với khu vực đặc biệt (cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác), tiếng ồn cho phép từ 6g-21g là 55dB, từ 21g- 6g sáng hôm sau là 45dB.

Còn đối với khu vực thông thường, chẳng hạn khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... thì từ 6g-21g là 70dB, từ 21g-6g sáng hôm sau là 55dB... Thế nhưng trên thực tế, chúng ta phải sống chung với tiếng ồn quá định mức cho phép một cách thường xuyên, từ trong nhà ra ngoài phố, nhất là tại các địa điểm công cộng.

Để tránh ảnh hưởng của tiếng ồn sinh ra những bệnh khác như rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh, thay đổi tính cách... hay điếc nghề nghiệp thì người dân tự bảo vệ mình bằng cách mang theo thiết bị cản tiếng ồn, hệ thống cửa, tường nhà cách âm...

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20141027/dinh-tai-nhuc-oc-voi-tieng-on/663499.html

Theo Mai Hoa - Minh Phượng / Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm