Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Ủy ban có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
"Siêu" Ủy ban sẽ quản lý cả SCIC và hàng chục doanh nghiệp Nhà nước khác. |
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được nhiều ví như “siêu” ủy ban khi quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, để xây dựng Ủy ban này.
Tổ công tác có 11 thành viên do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Tổ phó thường trực là ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Số vốn mà "siêu" Ủy ban dự kiến quản lý lên tới 5 triệu tỷ đồng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Được biết, trong dự thảo nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của “siêu” Ủy ban có nhiều điểm mới.
Ủy ban sẽ chủ trì, phối hợp trình Thủ tướng quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan này cũng giúp Thủ tướng xây dựng đề án thành lập doanh nghiệp, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Đáng chú ý, chế độ tiền lương ngoài theo quy định còn có phần thu nhập bổ sung. Phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn Nhà nước và năng suất lao động của doanh nghiệp do cơ quan này chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu. Đề án nhấn mạnh gắn tiền lương với kết quả và hiệu quả hoạt động.
Ngoài SCIC, dự kiến “siêu” Ủy ban sẽ quản lý vốn tại 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối lâu dài.