Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành lập Tổ công tác xây dựng 'siêu' Ủy ban quản lý vốn Nhà nước

Tổ công tác giúp việc xây dựng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa được thành lập chiều nay, do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng.

Chiều 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, để xây dựng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tổ có 11 thành viên do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Tổ phó thường trực là ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổ công tác còn có một số tổ phó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Các thành viên thuộc nhiều bộ ngành khác nhau, như Bộ Nội vụ, Tư pháp, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Nhóm giúp việc cho tổ là các thành viên đến từ một số bộ ngành.

thanh lap to cong tac xay dung uy ban quan ly von nha nuoc tai doanh nghiep anh 1
Siêu ủy ban sẽ quản lý vốn tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước có cả SCIC.

Theo quyết định của Thủ tướng, Tổ công tác này có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng triển khai các công việc phục vụ thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiệm vụ của Tổ sẽ kết thúc khi hình thành được bộ máy của ủy ban trên.

Trước đó, Chính phủ đã có quyết định sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp vào năm 2018. Nhiều người ví đây là một “siêu ủy ban” nếu được hình thành.

“Siêu uỷ ban” quản lý vốn Nhà nước là mô hình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp Nhà nước, với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng.

Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý. Trong số đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng và Y tế.

Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công Thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty. Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả SCIC.

Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 cổ phần hóa 137 doanh nghiệp Nhà nước và hoàn thành thoái vốn theo danh mục đã được phê duyệt.

Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng giúp xây dựng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được cho là một bước đi cụ thể, giúp hình thành “siêu ủy ban” trong năm 2018.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm