Đây là thông tin được bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ liên quan những biến động trên thị trường chứng khoán do ảnh hưởng bởi tin giả, tin đồn trên các diễn đàn, group mạng xã hội gần đây.
Cụ thể, bà Bình cho biết từ tháng 3 tới nay, thị trường chứng khoán trong nước đang có nhịp điều chỉnh, đi ngang và giảm nhẹ trong bối cảnh các yếu tố rủi ro từ ngoại biên tác động, như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine… Điều này đã khiến áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là sức ép từ giá cả nguyên vật liệu đầu vào và năng lượng.
Những yếu tố này đã tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt dù được đánh giá không quá lớn.
Rà soát các đối tượng tung tin giả, tin đồn
Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng chịu tác động một phần từ các thông tin sự vụ tại một số doanh nghiệp cụ thể, hay một số tin đồn, tin bất lợi trên thị trường bất động sản… khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thận trọng và gia tăng hoạt động chốt lời.
Theo Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán, diễn biến này của thị trường chứng khoán trong nước tương đồng với các thị trường quốc tế.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán. Ảnh: UBCK. |
Thời gian qua, hàng loạt sai phạm đã được cơ quan quản lý xử lý nghiêm. Điển hình là các vụ việc khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng vì có hành vi thao túng thị trường hay sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều này tuy tạo ra tác động ngắn hạn nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên thị trường.
“Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường”, bà Bình nhấn mạnh.
Với nhà đầu tư, bà Bình khuyến nghị cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan, nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao.
“Trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư”, bà Bình chia sẻ thêm.
Vẫn còn dư địa tăng năm nay
Đánh giá về thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình cho rằng yếu tố hỗ trợ thị trường tránh khỏi các nhịp điều chỉnh sâu vẫn là triển vọng tích cực của nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực trong năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tính riêng quý I/2022, chỉ số VN-Index mới giảm -0,4%, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên đã tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 3 với 271.619 tài khoản nhà đầu tư cá nhân được mở mới. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đạt gần 5 triệu tài khoản, tương đương 5% dân số, đạt chỉ tiêu Chính phủ đặt ra sớm 3 năm.
Bà Bình đánh giá biên độ dao động thời gian tới của thị trường chứng khoán có thể lớn hơn, nhưng thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm nay.
Theo đó, dịch bệnh dần được kiểm soát; hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa phục hồi; du lịch quốc tế mở cửa trở lại… sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất dự báo vẫn duy trì ở mức thấp cũng hỗ trợ thị trường chung và dòng tiền nhiều khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán.
Về các yếu tố nội tại, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh.
Đến cuối tháng 3, có 1.293/1.609 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch cổ phiếu đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Trong đó, 1.156 công ty có lãi.
Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 598/632 công ty có lãi năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết báo cáo, cao hơn năm 2020 là 584/632 công ty, tương đương 92%.