Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ủy ban Chứng khoán gấp rút ổn định thị trường

Ủy ban Chứng khoán sẽ yêu cầu các Sở công bố thông tin về giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán và điều chỉnh cách tính giá thanh toán hợp đồng tương lai VN30.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) vừa có cuộc họp khẩn cùng với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE); Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán thành viên để nhận định, đánh giá tình hình thị trường và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại thị trường chứng khoán.

Tại cuộc họp, Ủy ban Chứng khoán và các đơn vị đều đồng quan điểm cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm của thị trường thế giới và một số nguyên nhân trong nước.

Tuy nhiên, về trung, dài hạn, thị trường trong nước vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.

Phải công bố giao dịch tự doanh

Cũng tại buổi họp, Ủy ban Chứng khoán cùng các công ty chứng khoán đã đề xuất và được Bộ Tài chính chấp thuận một số giải pháp ngắn hạn để ổn định tâm lý nhà đầu tư, ổn định thị trường.

Một trong những giải pháp ngắn hạn được đưa ra là Ủy ban Chứng khoán sẽ giao VNX chỉ đạo HNX và HoSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn 5-10 phiên liên tiếp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán cũng yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội phải công bố thông tin về giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán. Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Uy ban Chung khoan yeu cau cong bo lai cac giao dich tu doanh anh 1

HoSE sẽ phải công bố lại các thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Ảnh: Việt Linh.

Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng việc các công ty chứng khoán vừa quản lý tài khoản, tư vấn cho nhà đầu tư lại vừa đầu tư trên thị trường không khác gì việc "đánh bài xem nhưng được bài người khác".

Bên cạnh đó, từ ngày 1/3, HoSE đã ra thông báo ngừng cung cấp thông tin về giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán.

Điều này càng khiến các nhà đầu tư đặt nghi vấn về sự không rõ ràng trong giao dịch của khối này.

Thay đổi cách tính giá chứng khoán phái sinh

Bên cạnh các giải pháp kể trên, để hạn chế khả năng tác động giá từ thị trường chứng khoán phái sinh lên chứng khoán cơ sở, Ủy ban Chứng khoán cũng đã chấp thuận cho VSD ban hành quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh.

Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh cách tính giá thanh toán hợp đồng tương lai VN30 ngày đáo hạn.

Cụ thể, giá thanh toán hợp đồng tương lai thay vì chỉ được tính từ giá trị chỉ số VN30 trong phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như trước, sẽ được tính bằng giá trị trung bình số học của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.

Uy ban Chung khoan yeu cau cong bo lai cac giao dich tu doanh anh 2

Chỉ số VN-Index giảm thủng mốc 1.200 điểm, trở về vùng giao dịch của 15 năm trước. Nguồn: Tradingview.

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp trên sẽ được VSD áp dụng sau khi các Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc.

Đây cũng là giải pháp được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến cho rằng cách tính giá chứng khoán phái sinh hiện tại là kẽ hở để “đội lái” dùng chứng khoán cơ sở kiếm tiền trên thị trường phái sinh.

Trước đó, thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua chuỗi giảm điểm liên tiếp khiến chỉ số VN-Index - chỉ số lớn nhất thị trường - giảm hơn 20%, đồng thời cuốn bay hơn 52 tỷ USD vốn hóa thị trường chỉ sau một tháng rưỡi.

Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam mất tới 11 năm để tăng trở lại mốc 1.200 điểm (từ năm 2007 đến 2018) và mất thêm gần 4 năm để chinh phục mốc 1.500 điểm. Nhưng chỉ trong hơn một tháng gần nhất, xu hướng giảm đã khiến chỉ số VN-Index thủng mốc 1.200 điểm, quay về vùng giao dịch cách đây 15 năm.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay, cơ quan quản lý sẽ ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để ổn định thị trường, đồng thời, kiên định các giải pháp trung, dài hạn để thị trường phát triển bền vững, minh bạch.

Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ rà soát, đánh giá để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chứng khoán Việt 'hóa gấu', vốn hóa bốc hơi hơn 52 tỷ USD

Sàn HoSE trong gần một tháng rưỡi qua đã rơi hơn 20%, tương đương vốn hóa sụt trên 1,2 triệu tỷ đồng (hơn 52 tỷ USD).

Chứng khoán tiếp tục bị bán tháo, gần 1.000 mã giảm giá

VN-Index dễ dàng xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ, phe bán chiếm ưu thế đẩy 340 mã giảm kịch sàn.

Gia xang dung yen hinh anh

Giá xăng đứng yên

0

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng RON 95 chỉ tăng 30 đồng lên 20.590 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 23 lần tăng giá và 27 lần giảm giá.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm