Reuters hôm 21/11 dẫn lời người phát ngôn của EC rằng: "Trong các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc, cũng như trong các tuyên bố công khai, chúng tôi nói rõ rằng đây là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Lithuania".
"Nhưng kể từ mùa hè, Liên minh châu Âu (EU) đứng về phía Lithuania khi quốc gia này đối mặt với các biện pháp cưỡng ép kéo dài từ Trung Quốc", đại diện EC cho biết.
Trước đó, EU cam kết tiếp tục phát triển quan hệ với đảo Đài Loan, ủng hộ các giá trị hai bên cùng chia sẻ, đồng thời khẳng định theo đuổi chính sách "một Trung Quốc".
Tuyên bố của EC được đưa ra sau khi Trung Quốc chính thức hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania từ mức cử đại sứ xuống đại biện.
Hành động này nhằm phản đối việc Lithuania cho phép sử dụng tên gọi "Đài Loan" ở văn phòng đại diện của hòn đảo tại thủ đô Vilnius.
Tại nhiều quốc gia khác, cơ quan đại diện Đài Loan chỉ sử dụng tên gọi "Văn phòng đại diện Đài Bắc".
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ở Brussels. Ảnh: AFP. |
Chính sách "một Trung Quốc" là sự thừa nhận ngoại giao về quan điểm của Bắc Kinh, cho rằng chỉ có một chính phủ Trung Quốc.
Theo chính sách này, Mỹ công nhận và có quan hệ chính thức với Trung Quốc, thay vì với Đài Loan - hòn đảo được Trung Quốc xem là một tỉnh và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất. Tuy nhiên, Washington duy trì mối quan hệ "không chính thức" bền chặt với chính quyền ở Đài Bắc, trong đó có việc tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo.