Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa trình Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đưa ra đề xuất về việc người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được hưởng tối đa 50% số năm đóng. Số còn lại sẽ được bảo lưu để người dân hưởng chế độ khi về hưu.
Trao đổi với Zing, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng tình với đề xuất trên mặc dù phương án này vẫn còn mặt hạn chế.
Lo lắng rút 50% không đủ để trang trải khó khăn
Theo ông Lợi, về mặt bản chất, bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động khi người dân hết tuổi lao động và có đóng góp cho xã hội, để khi về hưu họ có lương hưu đảm bảo cuộc sống.
Ông Lợi cho rằng thời gian qua, tỷ lệ rút BHXH một lần tăng cao do quy định hiện hành cho phép người lao động được quyền rút bất cứ lúc nào và với bất kỳ lý do gì.
"Thông thường, người lao động thực sự khó khăn mới cần rút BHXH một lần nhưng việc này không có lợi cho người dân về lâu dài, đồng thời gây nguy hại đến hệ thống an sinh xã hội", ông Lợi nói.
Vì những lý do trên, cựu đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa lại quy định này trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là cần thiết nhằm hướng đến sự cân bằng giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích người dân.
Quan trọng nhất, việc sửa đổi cần đảm bảo đi theo Nghị quyết của Trung ương là chăm lo an sinh xã hội cho người dân.
Số liệu người rút BHXH một lần trong 4 năm | |||||
Nguồn: BHXH Việt Nam | |||||
Nhãn | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
người | 807089 | 860741 | 963272 | 895500 |
Về phương án đang được đề xuất khi rút BHXH một lần, ông Lợi cho rằng cả hai đều có những ưu điểm và mặt hạn chế.
Với phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành khi cho người dân rút toàn bộ số năm đã đóng, chuyên gia cho rằng người lao động sẽ có lợi trước mắt là giải quyết được khó khăn, vấn đề trong cuộc sống của gia đình, bản thân.
"Nhưng phương án này chỉ lợi trước mắt và hại rất lâu dài, khi người lao động về già không được hưởng chính sách an sinh", ông Lợi nói và nhấn mạnh khi đã ra khỏi hệ thống BHXH, người lao động không còn có cơ hội hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế khi nghỉ hưu.
Lúc này, người lao động phải chờ đến 80 tuổi mới có thể hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với mức 300.000 đồng/tháng.
Người dân ở TP.HCM xếp hàng từ tờ mờ sáng để rút BHXH một lần vào tháng 12/2022. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về phương án hai là chỉ cho phép người dân rút tối đa 50% số năm đóng BHXH, còn lại được giữ để chi trả an sinh khi người lao động nghỉ hưu, ông Lợi cho biết phương án có nhược điểm là sau khi rút BHXH một lần, người dân có thể vẫn không đủ tiền để trang trải những khó khăn trước mắt.
Dù vậy, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội cho rằng phương án này có ưu điểm là trước mắt, người lao động có thể lấy ra một nửa để khắc phục khó khăn và giữ lại 50% để tiếp tục tham gia hệ thống BHXH.
"Nếu vẫn trong hệ thống BHXH, người lao động đương nhiên được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu và được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Nếu có thời gian đóng dài, người lao động có thể hưởng cả phần gốc và phần lãi, coi như một khoản tiết kiệm do Nhà nước bảo trợ", ông Lợi phân tích.
Từ những lý do trên, chuyên gia ủng hộ phương án hai trong đề xuất của Bộ LĐTB&XH. Cùng với đó, cần giữ quy định cho phép người lao động được rút 100% BHXH một lần trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ra nước ngoài sinh sống.
Cần thêm chính sách để hạn chế rút BHXH một lần
Trong khi đó, theo ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), giải pháp hạn chế người lao động rút BHXH một lần không đến từ việc siết điều kiện hưởng, mà cần đến từ việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Do đó, ông Quảng ủng hộ đề xuất giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm. Theo ông, đây mới là chính sách an sinh lâu dài, khi người lao động sớm nhận được các quyền lợi từ hệ thống an sinh, thay vì kéo dài thời gian đóng khiến người dân nản, dễ rút một lần.
Cùng với đó, ông Quảng cho rằng cần thêm những gói vay ưu đãi, có chính sách tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhiều quốc gia trên thế giới không cho phép hưởng BHXH một lần như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức...
Trong khi đó, ngoài Việt Nam, một số quốc gia đã và đang gặp vấn đề với chính sách cho phép rút BHXH một lần như Malaysia, Singapore... Trong đó, Singpapore đang từng bước điều chỉnh chính sách theo hướng nâng dần điều kiện rút BHXH một lần để giải quyết vấn đề này và đã có nhiều chuyển biến.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ban soạn thảo xin ý kiến về hai phương án quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành của Luật. Theo đó, người lao động rút BHXH một lần nếu sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Phương án 2, nếu đủ các điều kiện trên và người lao động có yêu cầu hưởng BHXH một lần thì được giải quyết một phần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Cùng với đó, ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Trong đó, dự thảo đề xuất giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Việc này cũng nhằm tạo cơ hội được hưởng lương hưu cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn.
Đồng thời, người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có hai lựa chọn là nhận BHXH một lần hoặc hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Nếu bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, người lao động sẽ được ngân sách Nhà nước mua bảo hiểm y tế; hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.