Theo các nhà xuất khẩu, chưa bao giờ đồng tiền ở các thị trường xuất khẩu lại đồng loạt mất giá so với USD như thời gian qua. Từ EU đến Nhật, sang Úc rồi quay về Singapore, các khách hàng đã hạn chế mua hàng hoặc mua với điều kiện giảm giá.
“Buộc phải hạ giá”
Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Kafatex (Hậu Giang), phải liên tục cập nhật những thông tin giá cả từ Mỹ để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng như làm giá chào bán với các khách hàng.
Trước đó, do đồng tiền tại các thị trường xuất khẩu quan trọng như Eu và Nhật đều giảm giá so với đồng USD, nhiều công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải giảm giá bán hàng cho đối tác.
Ông Kịch cho biết xuất khẩu sang EU, Nhật Bản cũng thanh toán bằng đồng USD nên khi USD trở nên đắt hơn so với đồng nội tệ của nhà nhập khẩu, hàng về nước họ trở nên đắt đỏ rất khó bán hàng.
Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015. |
Ví dụ, nếu như trước đây một lô hàng trị giá 1 triệu USD, tương đương với 900.000 euro, nay người mua phải trả xấp xỉ 1 triệu euro do đồng euro mất giá so với đồng USD.
“Đồng euro yếu đi so với USD làm giá thủy sản nhập vào châu Âu tăng lên nhưng nếu tăng giá bán lẻ thì người tiêu dùng không chịu. Do đó, nhà nhập khẩu phải bán chậm lại hoặc tạm ngưng mua hàng từ Việt Nam, nếu có mua họ cũng đòi giảm giá. Mình đã sản xuất rồi, phải tìm cách bán thôi chứ biết làm thế nào” - ông Kịch nói.
Ông Phạm Xuân Hồng
(Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM - Agtek):
Không để trứng trong một giỏ
Nếu vấn đề tỷ giá trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới, ngoài việc chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với nhà đặt hàng nhằm giữ được đơn hàng, doanh nghiệp càng phải tính toán và siết chặt chi phí sản xuất để có giá thành ở mức tốt nhất mới mong cạnh tranh nổi với các quốc gia có cùng năng lực xuất khẩu như Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần linh hoạt điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu nếu không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó.
Theo ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản đã giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2014.
“Giá cá tra xuất khẩu vào EU đã giảm khoảng 5-10% so với năm ngoái. Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải hạ giá mới bán được hàng. Tình hình này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới”, ông Minh nhận định.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty Tanimex Long An, cho biết ngoại trừ thị trường Mỹ đang ổn định, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường quan trọng còn lại đều chậm so với trước vì khách hàng chờ mặt bằng giá mới. Để bán được hàng, các nhà sản xuất của Việt Nam buộc phải giảm giá bán.
“Hiện giá điều nhân Việt Nam xuất khẩu đi EU giảm nhẹ 2%, Úc, Singapore giảm 5% so với đầu năm, còn thị trường Nga thì khỏi buôn bán luôn”, ông Thanh nói.
Chủ động giảm chi phí
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi các đồng tiền khác mất giá, việc tỷ giá VND/USD vẫn ổn định đã làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ khác trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự cứu mình trước khi Nhà nước thay đổi chính sách tiền tệ. Ông Dương Ngọc Minh thừa nhận Việt Nam buộc phải giảm giá bán vì các nước cạnh tranh với chúng ta như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador cũng đã giảm giá.
“Nếu không giảm giá sẽ không bán được và thực tế giá xuất khẩu tôm Việt Nam giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách giảm chi phí đầu vào và giá thành sản xuất”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Công ty TNHH giày Gia Định, cho biết về nguyên tắc nếu nhà nhập khẩu thấy thị trường nào có lợi sẽ chuyển đơn hàng về đó, “nên việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không hẳn chỉ phụ thuộc vào tỷ giá , mà còn ở nhiều yếu tố khác, trong đó vấn đề nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thời gian giao hàng chuẩn xác dường như quan trọng hơn cả vấn đề tỷ giá ”.
TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa tài chính ĐH Kinh tế TP HCM, cũng cho rằng điều cốt lõi đối với các doanh nghiệp “là nên tập trung vào những gì mình kiểm soát được để phục vụ tốt cho công tác tổ chức sản xuất, chứ đừng chú ý nhiều đến vấn đề mà mình không thể kiểm soát, mà tỷ giá là một ví dụ”.
Tỷ giá các so với USD trong thời gian gần đây (Nguồn: tỷ giá niêm yết của Vietcombank). |
Theo ông Thơ, cải tổ năng suất lao động, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, cũng như nâng cao khả năng tổ chức tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng là các công việc chính mà doanh nghiệp cần chú trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.
“Ngoài việc trông chờ Ngân hàng Nhà nước điều hành vấn đề tỷ giá một cách linh hoạt nhất, chỉ có doanh nghiệp mới giải quyết được những vấn đề nội tại mà họ đang làm chưa tốt. Có vậy thì mới mong nâng cao năng lực cạnh tranh được” - ông Thơ khuyến nghị.
USD sẽ còn tăng giá
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng lãi suất trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật vẫn đang tiếp tục quá trình nới lỏng định lượng.
Do đó, USD đã tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác, ví dụ EUR mất giá 12% kể từ đầu năm đến giờ và 23% kể từ đầu năm ngoái. JPY cũng mất giá khoảng 1% kể từ đầu năm và 16% kể từ đầu năm ngoái.
Biến động tỷ giá của các đồng tiền này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào các thị trường này khi đa số doanh nghiệp hiện vẫn đang ký hợp đồng xuất khẩu bằng USD.
Theo ông Hải, các doanh nghiệp cần chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược xuất khẩu của mình với một số biện pháp như đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật bằng đồng nội tệ của thị trường xuất khẩu (EUR hoặc JPY) sẽ tăng tính cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Để phòng chống rủi ro tỷ giá , các doanh nghiệp có thể ký các hợp đồng kỳ hạn hoặc quyền chọn ngoại hối để chuyển đổi doanh thu xuất khẩu bằng EUR hoặc JPY sang USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể vay bằng EUR và JPY để tự cân đối về đồng tiền với doanh thu xuất khẩu bằng đồng nội tệ.
“Xu hướng USD tăng giá so với các đồng tiền trên thế giới vẫn còn tiếp tục trong năm 2015 nên các doanh nghiệp cần quản lý rủi ro tỷ giá cẩn trọng và đảm bảo tính cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của mình”, ông Hải nói.
Trong khi đó ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng Việt Nam đang sử dụng rổ tiền tệ để điều hành chính sách tỷ giá nhưng đồng USD vẫn chiếm vị trí quan trọng và chủ yếu.
Do vậy việc chọn đồng tiền thanh toán là USD vẫn có lợi nhất vì doanh nghiệp có thể dự báo được xu hướng của tỷ giá dựa trên những cam kết tương đối vững chắc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“Năm nay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không tăng tỷ giá quá 2%, nên doanh nghiệp có thể dựa vào đó tính toán các thương vụ, hợp đồng mua bán của mình”, ông Phước nói.
Dệt may, da giày lo lắng cuối năm
Do các hợp đồng đã ký trước và chốt giá đến hết quý 2 năm nay nên các doanh nghiệp dệt may cho biết vẫn còn “dễ thở”, nhưng lo ngại biến động tỷ giá sẽ tác động đến các đơn hàng từ quý 3/2015 trở đi.
Theo ông Võ Quốc Hào, giám đốc điều hành công ty CP may Bình Minh, dù 90% sản phẩm may mặc của công ty đều đang xuất sang thị trường Nhật nhưng đến nay vẫn chưa nghe đối tác đề cập đến vấn đề tỷ giá .
Bởi trước khi ký hợp đồng, Bình Minh và các đối tác Nhật đã có một cam kết về vấn đề tỷ giá , đó là công ty sẽ không tăng giá may gia công nếu TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực.
Đổi lại, phía Nhật sẽ không đề cập đến yếu tố tỷ giá . “Vì vậy, dù đồng yen mất giá mạnh trong thời gian qua nhưng chúng tôi vẫn yên tâm sản xuất”, ông Hào chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hào cho rằng các thảo luận nói trên cũng mang tính thời điểm, vì hiện tại công ty vẫn đang làm các đơn hàng của năm 2014 do niên khóa tài chính Nhật kết thúc vào tháng 3 hằng năm.