Ngày đầu tuần (16/3), Vietcombank niêm yết giá USD mua vào - bán ra tại mức 21.460 - 21.520 đồng/USD, tăng 125 đồng so với cuối tuần trước. Vietinbank cũng giao dịch ở mức 21.450 - 21.510 đồng, cao hơn 105 đồng so với cuối tuần trước. BIDV nâng tỷ giá USD nhẹ nhất trong số các ngân hàng có gốc quốc doanh, nhưng cũng tăng tới 80 đồng, chốt tại mức 21.440 - 21.490 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác đều tăng tỷ giá trên dưới 100 đồng/USD, mức tăng trong một ngày hiếm thấy 2 năm trở lại đây.
Hôm qua (17/3), Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND mua vào - bán ra ở mức 21.440 - 21.500 đồng/USD, tăng 95 đồng chiều mua vào và 70 đồng chiều bán ra so với ngày trước đó. Tương tự, VietinBank mua vào ở mức 21.450 đồng/USD và bán ra 21.510 đồng/USD, tăng 65 - 60 đồng chiều mua vào -bán ra so với ngày 16/3.
Còn khối các ngân hàng thương mại cổ phần không phải nguồn gốc quốc doanh, Eximbank niêm yết tỷ giá mức mua vào - bán ra 21.430 - 21.500 đồng/USD, tăng 70 đồng chiều mua và 60 đồng chiều bán so với ngày 16/3. Techcombank giao dịch USD 21.420 đồng/USD mua vào và 21.510 đồng/USD bán ra, tăng tương 75 và 80 đồng 2 chiều chiều mua - bán so với ngày hôm trước. ACB cũng niêm yết mua vào - bán ra USD ở mức 21.420- 21.440 đồng/USD, tăng 60 đồng cả hai chiều so với ngày 16/3.
Tỷ giá hai ngày đầu tuần này tăng mạnh khá bất thường. |
Sáng ngày 17/3, giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến giao dịch mua vào - bán ra ở mức 21.755 - 21.780 đồng/USD, tăng 20 đồng ở chiều bán ra so với sáng ngày 16/3. Tính chung từ đầu tuần trước tới nay, giá USD tự do tăng 100 đồng.
Theo giám đốc tiền tệ một ngân hàng, việc tỷ giá tăng đầu tuần trước tiên liên quan đến yếu tố tâm lý, khi một vài thông tin trái chiều về chính sách tỷ giá được công bố trong khoảng thời gian này. Bên cạnh đó là câu chuyện giá vàng SJC bán lẻ hiện đang chênh lệch hơn 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, nên cũng tạo tâm lý lo ngại việc thu gom USD trên chợ đen để nhập lậu vàng.
“Đặc biệt là cán cân thương mại tháng 2 vào thời điểm đầu tháng được dự báo thặng dư 300 triệu USD, nhưng cuối tháng, con số chính thức Tổng cục Hải quan cho biết là thâm hụt gần 1 tỷ USD. Nếu cộng từ đầu năm thì tính đến nay đã thâm hụt gần 1,3 tỷ USD, nên có lẽ dựa trên con số này, thị trường có những động thái nhất định ‘găm’ ngoại tệ không bán, khiến tỷ giá tăng mạnh và nhanh ngày đầu tuần”, vị giám đốc trên nhận định.
Quả thực, chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra được doãng rộng, thậm chí lên tới trên 100 VND, cũng được các chuyên gia nhận định là một diễn biến bất thường, không phản ánh sức cầu ngoại tệ tăng lên, mà thể hiện sự thận trọng từ chính các ngân hàng thương mại.
Cũng trong thời điểm này, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, trong số 69,1 tấn vàng ước tính được nhập vào Việt Nam năm 2014 có 56,4 tấn vàng miếng, còn vàng nữ trang là 12,7 tấn. Mặc dù con số 56,4 tấn vàng miếng nhập khẩu không nhận được nhiều sự tán đồng của thị trường, tuy nhiên, một thành viên WGC cho rằng, dù không nhập chính thức thì khả năng vàng được nhập lậu qua biên giới Việt Nam là vẫn có.
Đồng tình với quan điểm việc nhập lậu vàng đâu đó vẫn còn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Nhập lậu vàng ít hay nhiều cũng dẫn đến tình trạng người buôn lậu gom USD trên chợ đen, khiến nhu cầu về ngoại tệ tăng lên, và chắn chắn tạo ra những biến động lên thị trường ngoại hối. Trong khi đó, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện lên tới 5 triệu đồng/lượng, sẽ càng khiến những người buôn lậu vàng hoạt động mạnh hơn, vì lợi nhuận thu về là rất lớn”.
Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB phân tích, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá hồi đầu năm, thị trường ngoại hối dư thừa ngoại tệ, đến mức các giao dịch chỉ loanh quanh giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước.
Giá mua - bán ngoại tệ mới tăng lên đầu tuần này cũng chỉ mới tiếp cận được mức giá bình quân liên ngân hàng 21.458, còn rất thấp so với giá bán của Ngân hàng Nhà nước là 21.600, và còn xa mức trần hơn nữa. Do đó, tỷ giá dẫu có tăng nhưng không đến mức độ căng thẳng…
Còn theo vị giám đốc khối tiền tệ ở trên, nếu Ngân hàng Nhà nước thực sự chịu áp lực hỗ trợ xuất khẩu một cách mạnh mẽ, thì sẽ phải có những quyết sách về chính sách ngoại hối như thay đổi tỷ giá. Còn không, trong trường hợp cần thiết, cơ quan này có thể hút thanh khoản tiền đồng ra khỏi hệ thống.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối khá tốt khi ngay trong 2 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục mua ngoại tệ vào. Ngoài ra, thực tế nhu cầu mua - bán ngoại tệ của khách hàng hiện nay khá ổn định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, đang có những áp lực nhất định lên tỷ giá, khi đồng USD tăng so với các đồng tiền khác trong khu vực. Nếu các đồng tiền khác thực sự mất giá nhiều mà Việt Nam cứ giữ mức tỷ giá như hiện nay, sẽ tác động không tốt tới xuất khẩu là điều có thực… Song song đó, đối với câu chuyện thâm hụt thương mại, việc thanh toán những khoản này không phải là trả ngay lập tức mà có thể 1 - 2 tuần đến vài tháng sau. Nên áp lực sắp tới đối với thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ còn mạnh hơn chút ít.
Một cán bộ cao cấp phụ trách mảng kinh doanh vốn của một ngân hàng còn thẳng thắn thừa nhận: “Thị trường phải có vài đợt sóng ngoại hối thì ngân hàng mới sống được”.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vừa được công bố, Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ Việt Nam (ANZ Research) cho rằng, các ước tính không chính thức cho thấy, dự trữ ngoại hối Việt Nam khoảng 32 tỷ USD, tương đương với 12 tuần nhập khẩu, tăng mạnh so với mức 6 - 6,5 tuần nhập khẩu của năm 2012. Điều này cho thấy áp lực phải điều chỉnh tỷ giá là không lớn.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng dần lên mức 21.500 VND/USD vào giữa năm 2014”, báo cáo ANZ nhận định.