Các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ đưa đồng USD lên mức mạnh nhất trong 20 năm. Ảnh: Reuters. |
Theo CNN, đà tăng trưởng mạnh mẽ của đồng USD đã định hình thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Thời gian qua, đồng bạc xanh mạnh lên không ngừng khiến nhiều nền kinh tế chao đảo.
Nhưng đà tăng của đồng USD có thể sắp chấm dứt. Tính đến nay, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ khác trên toàn cầu - đã giảm hơn 4% trong quý IV. Hồi tháng 9, chỉ số này vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Theo dữ liệu của Societe Generale, vào tuần trước, các nhà đầu tư lần đầu đặt cược vào đà giảm của đồng USD kể từ tháng 7/2021.
Đà tăng trưởng phi mã của đồng bạc xanh trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Một loạt dấu hiệu
"Thị trường đang lo ngại về những thay đổi trong các yếu tố cơ bản. Nhà đầu tư sợ bỏ lỡ thời điểm 'bán đỉnh', bởi sau khi đạt đỉnh, đồng USD có thể lao dốc nhanh và mạnh", đội ngũ chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs bình luận.
Các số liệu lạm phát tại Mỹ trong tháng 10 cho thấy giá cả đang hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Điều đó có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành với tốc độ chậm hơn.
Thị trường đang lo ngại về những thay đổi trong các yếu tố cơ bản. Nhà đầu tư sợ bỏ lỡ thời điểm "bán đỉnh", bởi sau khi đạt đỉnh, đồng USD có thể lao dốc nhanh và mạnh
Đội ngũ chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs
Các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed trong năm nay là nguyên nhân đẩy đồng USD tăng vọt. Điều này thúc đẩy giới đầu tư mua vào những tài sản của Mỹ vì lợi suất ngày càng hấp dẫn. Để thực hiện các giao dịch, họ buộc phải mua đồng bạc xanh.
Thêm vào đó, giới đầu tư lạc quan rằng giới chức Bắc Kinh chuẩn bị nới lỏng những hạn chế liên quan đến Covid-19. Chính quyền Trung Quốc đã và đang đưa ra các biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Thời tiết ấm áp ở châu Âu cũng làm giảm bớt lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu lục này trong mùa đông. Do đó, giới quan sát đã đưa ra những dự báo kinh tế lạc quan hơn.
Nếu triển vọng của các nền kinh tế khác bớt u ám, sức hút của những tiền tệ khác sẽ gia tăng, khiến dòng vốn chảy khỏi USD - vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế.
"Các dấu hiệu đã cùng lúc xuất hiện. Lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, châu Âu có thể không phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt như những dự báo trước đó, và Bắc Kinh tập trung vào tăng trưởng kinh tế hơn", ông Jordan Rochester - chiến lược gia tiền tệ tại Nomura - bình luận với CNN.
Ông cho rằng chỉ số USD có thể đã đạt đỉnh, và sẽ đi xuống kể từ giờ.
Sẽ còn trồi sụt mạnh
Dĩ nhiên, vẫn còn những rủi ro lớn đối với các nền kinh tế trên toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid. Đồng USD đã mạnh lên sau khi thành phố Quảng Châu (miền Nam Trung Quốc) phong tỏa một quận để ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 lớn.
Không ai biết chắc chắn về những động thái tiếp theo của Fed. Thêm vào đó, xung đột Nga - Ukraine cũng có thể nhanh chóng thay đổi tình hình kinh tế của châu Âu.
"Đồng USD sẽ không giảm một mạch. Thay vì rơi thẳng đứng sau khi đạt đỉnh, đồng bạc xanh có thể lên xuống liên tục", chuyên gia Kit Juckes tại Societe Generale dự báo.
Chỉ số USD đã tăng 10,56% so với mức cách đây một năm. Đà tăng phi mã của đồng USD khiến euro lần đầu rẻ hơn USD sau 20 năm, còn bảng Anh có lúc tiến sát 1 USD đổi 1 bảng Anh.
Đồng USD mạnh lên giáng đòn vào nhiều nền kinh tế. Một khi đồng bạc xanh yếu đi, thực phẩm và năng lượng nhập khẩu ở các nước khác sẽ bớt đắt đỏ. Điều này cũng giảm bớt gánh nặng cho một số quốc gia có nợ bằng đồng USD.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...