Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 19/1 (giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - ổn định trên ngưỡng 102,25 điểm sau khi rơi xuống mức thấp nhất hơn 7 tháng (101,53 điểm) trong ngày trước đó.
USD mạnh lên một phần do những nhận xét mang tính "diều hâu" của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong 24 giờ qua, bảng Anh đã tăng lên hơn 1,242 USD đổi 1 bảng Anh rồi giảm về 1,233 USD đổi 1 bảng Anh. Tỷ giá EUR/USD cũng giảm mạnh từ mức cao nhất kể từ tháng 4 xuống 1,07945 USD trên mỗi euro.
Chỉ số USD tăng đột ngột trong ngày 19/1. Ảnh: Trading Economics. |
Nguy cơ suy thoái
USD mạnh lên bất chấp những tín hiệu chỉ ra lạm phát đang hạ nhiệt. Các dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 12/2022. Còn chỉ số giá sản xuất lao dốc chưa từng thấy kể từ tháng 4/2020.
Một mặt, các dữ liệu mới nhất sẽ cho phép Fed nhẹ tay hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng chúng cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái.
Chỉ số giá sản xuất ghi nhận mức giảm 0,5% trong tháng 12/2022, còn doanh số bán lẻ lao dốc 1,1%.
Theo các dữ liệu trước đó, trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
Tỷ giá EUR/USD rớt mạnh trong ngày 19/1. Ảnh: Trading Economics. |
Số việc làm trong tháng 12/2022 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng tăng trưởng chậm lại.
Hơn nữa, chỉ số quản lý thu mua (PMI) từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) chỉ ra các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12/2022. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm rưỡi do nhu cầu suy yếu.
Trước đó, tỷ phú Jeffrey Gundlach từng cảnh báo Fed sẽ không tăng lãi suất lên 5%. Bởi các dữ liệu cho thấy những chỉ số kinh tế của Mỹ đang suy yếu quá nhanh.
Ông cho rằng ngay cả khi Fed đưa lãi suất điều hành lên hơn 5%, có thể ngay trong cuộc họp chính sách sau đó, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải cắt giảm lãi suất.
Tín hiệu "diều hâu"
Đáng ngại hơn, các quan chức Fed vẫn phát đi những tín hiệu "diều hâu". Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard và Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho rằng lãi suất cần tăng vượt quá 5% để kiểm soát lạm phát.
Ông Bullard khẳng định muốn các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hành động quyết liệt. "Vì sao không đi tới nơi mà chúng ta cần đến", ông nhấn mạnh.
Theo tính toán của CME Group, các nhà đầu tư tin rằng khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên tới 94,3%.
Các nhà giao dịch trên thị trường kỳ hạn dự báo Fed sẽ đẩy lãi suất điều hành lên 4,75-5% vào giữa mùa hè, rồi cắt giảm 0,5 điểm phần trăm cuối năm nay.
Nhưng vào tháng 12/2022, các quan chức Fed cho rằng họ sẽ đẩy lãi suất vượt ngưỡng 5% và duy trì ở mức này ít nhất là tới năm 2024.
Nếu Fed tăng lãi suất mạnh tay hơn dự báo của thị trường, đồng bạc xanh được dự báo tăng mạnh và đè nặng lên các tài sản khác.
Trong phiên giao dịch 18/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 613,89 điểm, tương đương 1,81%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 62,11 điểm (-1,56%) và 138,1 điểm (-1,24%).
Giá của mỗi ounce vàng giao ngay trên sàn New York giảm 4,5 USD so với phiên trước đó. Còn giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 1,52% và 1,46%.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.