Đồng bạc xanh của Mỹ đã bị bán tháo trước khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố trong tuần này. USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ thế giới - vừa rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng.
Dù đã phục hồi phần nào vào ngày 6/4, USD Index vẫn ở mức 101,95 điểm, cách không xa so với ngưỡng thấp nhất 2 tháng.
Các nhà giao dịch vẫn đang thận trọng. Báo cáo về thị trường việc làm sẽ góp phần quyết định động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Mới đây, bà Loretta Mester - Chủ tịch Fed Cleveland - cho biết lãi suất điều hành sẽ vẫn đi lên bất chấp nền kinh tế đã suy yếu.
USD Index rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng. Ảnh: Trading Econoimcs. |
Động lực bị triệt tiêu
Trước đó, hàng loạt dữ liệu đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế, hạn chế khẩu vị rủi ro của giới đầu tư và thúc đẩy dòng tiền chảy vào các tài sản trú ẩn an toàn.
"Dữ liệu về thị trường việc làm thấp hơn dự kiến sẽ cho chúng ta thấy rằng các đợt tăng lãi suất của Fed đã phát huy tác dụng", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường của Markets.com - nhận định với Zing.
Thông qua các đợt tăng lãi suất, Fed muốn hạ nhiệt thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát, vốn đã lên mức cao nhất nhiều thập kỷ. Những đợt tăng lãi suất dồn dập của ngân hàng trung ương đã đẩy USD Index tăng vọt trong năm ngoái. Đồng bạc xanh có thời điểm rẻ hơn euro.
Nhưng ở chiều ngược lại, việc Fed dừng tăng, hoặc cắt giảm lãi suất sẽ triệt tiêu động lực cho đà tăng trưởng của USD. Thêm vào đó, giới đầu tư cũng bán tháo đồng bạc xanh nếu kinh tế Mỹ trượt tới bờ vực suy thoái.
Trong khi đó, ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra nền kinh tế hàng đầu thế giới đang bước vào một đợt suy yếu mạnh, thậm chí là suy thoái.
Theo dữ liệu của công ty ADP, hoạt động tuyển dụng trong khu vực tư nhân của Mỹ đã giảm tốc trong tháng 3. Cụ thể, số việc làm mới trong khu vực tư nhân chỉ tăng 145.000 trong tháng trước, giảm mạnh so với mức 261.000 của tháng 2 và thấp hơn ước tính 210.000 của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát.
Như vậy, trong quý đầu năm, số việc làm mới trung bình mỗi tháng chỉ là 175.000, giảm từ 216.000 vị trí trong quý IV/2022. Cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới 397.000 việc làm.
Kinh tế Mỹ suy yếu
"Dữ liệu mới nhất của chúng tôi đang phát đi tín hiệu về một nền kinh tế đã giảm tốc. Các công ty đang trì hoãn sau một năm tuyển dụng ồ ạt. Tăng trưởng tiền lương cũng giảm dần", bà Nela Richardson - chuyên gia kinh tế trưởng của ADP - nhận định.
Trước đó, theo một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số vị trí trống đã giảm xuống còn 9,93 triệu trong tháng 2, thấp hơn ước tính 10,4 triệu việc làm của FactSet.
Trong khi đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp rơi vào vùng suy giảm, cho thấy hoạt động tại các nhà máy đang suy yếu.
Tăng trưởng tiền lương của người Mỹ cũng đã chậm lại. Theo tính toán của ADP, trong tháng 3, tiền lương của người lao động Mỹ tăng trưởng 6,9% so với năm ngoái, giảm từ tốc độ 7,2% vào tháng 2.
Điều này cho thấy Fed đã có bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát, và làm giảm bớt lo ngại về vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.
Vòng xoáy lạm phát - tiền lương xảy ra khi người lao động muốn một mức lương cao hơn để trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời kỳ lạm phát.
Các doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Do vậy, họ sẽ cần tăng giá để bù đắp chi phí, từ đó tác động ngược trở lại người tiêu dùng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...