Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Trung Quốc lại muốn mua nhà

Thị trường nhà ở Trung Quốc đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau nhiều tháng ảm đạm. Điều này cho thấy những nỗ lực giải cứu của Bắc Kinh đã phát huy tác dụng.

Niềm tin của người mua nhà Trung Quốc đã được phục hồi phần nào. Ảnh: Bloomberg.

CNBC đưa tin theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố hôm 3/4, nhu cầu mua nhà tại Trung Quốc đang gia tăng trở lại.

Theo cuộc khảo sát, tỷ lệ người được hỏi có kế hoạch mua nhà trong 3 tháng tới đã tăng lên 17,5% trong quý I. Tỷ lệ này tăng từ 16% trong quý IV/2022 và là mức cao nhất kể từ quý I năm ngoái.

Tâm lý của thị trường cũng đã được cải thiện. Cuộc khảo sát cho thấy 18,5% số người được hỏi dự đoán rằng giá nhà sẽ tăng. Con số này vượt xa tỷ lệ 14% của quý IV/2022 và cũng là mức cao nhất kể từ quý III/2021.

Nhu cầu trở lại

Người mua nhà Trung Quốc lạc quan hơn sau khi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt được gỡ bỏ. Chính quyền trung ương và địa phương nước này cũng đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản kể từ năm ngoái.

Các báo cáo khác cũng chỉ ra thị trường bất động sản Trung Quốc đang khởi sắc. Vào tháng 3, giá nhà tại đất nước 1,4 tỷ dân lần đầu tiên đi lên sau hơn 7 tháng.

Cụ thể, theo một cuộc nghiên cứu của Hệ thống Chỉ số Bất động sản Trung Quốc (CREIS) về giá nhà tại 100 thành phố trên toàn quốc, giá trung bình trên mỗi m2 của một căn hộ mới xây đã tăng 0,02% so với tháng 2 lên 16.178 nhân dân tệ.

Còn theo công ty quản lý bất động sản JLL, thị trường nhà ở cao cấp của Bắc Kinh đã ghi nhận khối lượng giao dịch tăng 20% trong quý I so với quý cuối năm ngoái.

Việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát với ngành công nghiệp địa ốc trong vòng 2 năm qua đã dẫn tới hàng chục vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và kéo tụt nhu cầu mua nhà.

Đến nay, giới chức Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn địa ốc và hạ lãi vay thế chấp ở khoảng 20 thành phố.

Nỗ lực giải cứu có tác dụng

Năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành một gói giải cứu 16 điểm đối với ngành bất động sản. Thời điểm đó, đây được coi là tín hiệu giải cứu mạnh mẽ nhất của giới chức Trung Quốc.

Các biện pháp được đưa ra bao gồm gia hạn khoản vay cho doanh nghiệp địa ốc, thúc đẩy doanh số bất động sản thông qua giảm khoản tiền thanh toán trước, cắt giảm lãi suất, thúc đẩy những kênh huy động như phát hành trái phiếu, và đảm bảo việc giao nhà cho khách hàng.

Bắc Kinh cũng đang ngầm loại bỏ những quy định ngăn chính quyền địa phương bán đất. Các quy định này được đưa ra vào tháng 2/2021. Theo đó, những thành phố lớn chỉ được phép đấu giá đất 3 lần mỗi năm. Giới hạn này nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ của các tập đoàn bất động sản trong thời kỳ bùng nổ của thị trường địa ốc.

Hai năm sau, những hạn chế đó đã trở nên dư thừa. Các công ty địa ốc đang chật vật cải thiện sức khỏe tài chính trong bối cảnh nhu cầu mua nhà suy yếu nghiêm trọng.

dia oc anh 1

Các dữ liệu chỉ ra thị trường bất động sản Trung Quốc đang khởi sắc. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc cũng đưa ra những biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm ưu tiên chống dịch. Hồi giữa tháng 3, PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.

Dù đã lạc quan hơn về thị trường nhà ở, hầu hết người Trung Quốc vẫn nghiêng về lựa chọn giữ tiền mặt. Trong quý I, 58% người được hỏi cho biết họ muốn gửi tiền tiết kiệm.

Dù vậy, tỷ lệ này đã giảm 3,8 điểm phần trăm so với quý cuối năm ngoái. Trong thời kỳ đại dịch, số tiền tiết kiệm của người Trung Quốc vọt lên mức kỷ lục.

Theo cuộc khảo sát, 23,2% người được hỏi cho biết họ muốn chi tiêu, tăng 0,5 điểm phần trăm. Nhưng giáo dục và chăm sóc sức khỏe vẫn là những hạng mục chi tiêu phổ biến nhất.

Dù vậy, chi tiêu cho du lịch đã có bước nhảy vọt đáng kể so với quý IV/2022.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Vượt USD, nhân dân tệ trở thành ngoại tệ phổ biến nhất ở Nga

Do các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây nhắm vào hệ thống tài chính của Nga, khối lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tại nước này đã tăng mạnh.

Điều gì đang xảy ra với giá dầu

Thị trường dầu chấn động sau quyết định cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC+. Điều đó cho thấy nhóm này muốn giá dầu dao động quanh vùng 90-100 USD/thùng.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm