Một kết nối tương thích với mọi thiết bị là điều mà các hãng công nghệ và người dùng đều mơ ước. USB, đúng như cái tên của nó (Universal Serial Bus hay Bus tuần tự phổ thông), đã trở thành chuẩn kết nối phổ biến nhất trên máy tính.
Tới thời kì của smartphone, hầu hết thiết bị đều sử dụng cổng kết nối dựa trên USB, và với đà tích hợp của các hãng điện thoại thì USB type-C sẽ trở thành cổng kết nối phổ biến nhất trong vài năm nữa.
Tuy nhiên đó là chúng ta đang nói về ngoại hình của USB type-C, hay nói cách khác là lỗ cắm đồng nhất không phân biệt chiều cắm. Nếu xét về các tiêu chuẩn kỹ thuật thì USB type-C không hoàn hảo như ngoại hình của nó, thậm chí còn là cơn ác mộng với người dùng.
Sạc nhanh hay sạc chậm?
Hãy lấy một ví dụ đơn giản: bạn từng sử dụng một chiếc điện thoại có cổng type-C và giờ đổi sang một máy khác. Bạn nghĩ rằng mình chỉ cần dùng cáp của máy cũ để sạc cho máy mới, và sẽ nhận được tốc độ sạc nhanh như trước? Chưa chắc!
Android Authority đã thử nghiệm bộ sạc và cáp từ ba smartphone của LG, Huawei và Samsung. Thực tế là tốc độ sạc sẽ khác nhau khi thay đổi củ sạc, dây cáp.
Ba hãng smartphone có ba chuẩn sạc nhanh khác nhau, nên cáp máy này có thể không tương thích với máy khác |
Trong ba thiết bị này, chỉ có chiếc Huawei P20 là sạc nhanh với cáp của cả ba máy, cũng như với cả ba củ sạc lẫn cổng USB 3.0 từ máy tính. LG V30 báo sạc nhanh với phần lớn củ sạc lẫn dây, nhưng đo đạc thực tế cho thấy dòng sạc không đồng nhất khi dùng các loại cáp khác nhau.
Mặc dù màn hình hiện sạc nhanh, chiếc LG V30 thực tế sạc nhanh nhất với củ sạc và cáp LG, không tương thích với linh kiện Huawei. |
Nguyên nhân của hiện tượng trên là có quá nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật điện đối với củ sạc và cáp USB type-C. Tổ chức USB đưa ra chuẩn sạc nhanh cho type-C (Power Delivery), nhưng bản thân các hãng cũng có những chuẩn sạc nhanh riêng như Qualcomm QuickCharge, Oppo VOOC hay Huawei SuperCharge. Một chiếc cáp thông thường sẽ không thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn này.
Điều đó có nghĩa là nếu bạn sắm một chiếc cáp mới và muốn nó có khả năng sạc nhanh, bạn sẽ phải biết rõ smartphone của mình sử dụng chuẩn sạc gì, và chiếc cáp có hỗ trợ chuẩn đó hay không. Đây là một thực tế khác xa với tưởng tượng đơn giản về cáp USB type-C “mua là cắm” của nhiều người.
USB type-C không chỉ có sạc
Ngoài chức năng sạc, cáp USB type-C còn được tích hợp rất nhiều chức năng khác như xuất hình, kết nối dữ liệu. Chuẩn USB type-C về lý thuyết có thể hỗ trợ chuẩn kết nối USB 2.x hoặc 3.x, chuẩn Thunderbolt 3, ngoài ra còn hỗ trợ xuất hình ra các cổng HDMI, MHL, cổng mạng Ethernet hoặc các cổng xuất âm thanh. Thực tế là nhiều laptop hiện nay đã bỏ các cổng truyền thống (kể cả cổng sạc), chỉ có cổng USB type-C và để có các chức năng phải thực hiện qua bộ chuyển đổi (adapter).
Vấn đề là giống với chuẩn sạc, bạn sẽ không thể biết được chính xác cổng type-C trên máy của mình hỗ trợ những gì nếu không tìm hiểu thông số chi tiết. Phức tạp hơn, nếu máy có nhiều cổng type-C thì một số tính năng sẽ chỉ có trên vài cổng, những cổng còn lại không hỗ trợ. Tương tự, để biết cổng type-C hỗ trợ chuẩn 2.0 hay 3.1 (tốc độ cao hơn) bạn cũng sẽ phải đọc tài liệu và ghi nhớ.
Chọn sử dụng Macbook mới đồng nghĩa gắn bó với những bộ chuyển đổi |
Đúng là việc loại bỏ các cổng truyền thống sẽ giúp máy tính nhỏ hơn, gọn hơn một chút, nhưng việc mở rộng chức năng lại rất phiền phức. Xét cho cùng, việc luôn phải kè kè một bộ chuyển đổi (hãy hỏi những người dùng MacBook đời mới) có lẽ không thú vị như bạn nghĩ ban đầu.
Bảng cho thấy mỗi cổng xuất hình hay truyền dữ liệu lại có yêu cầu cáp khác nhau |
Để mua được bộ chuyển hoặc cáp thay thế đạt mục đích sử dụng, bạn cũng phải tìm hiểu kỹ. Những chuẩn mới - như xuất hình 4K ở 60fps, Thunderbolt 20Gbps - thường yêu cầu cáp active (có bộ điều chỉnh tín hiệu), tất nhiên là đắt tiền hơn.
Các hãng smartphone vội vã bỏ cổng tai nghe 3,5mm để dùng cổng type-C trong khi khả năng tương thích chưa tốt, chất lượng đầu chuyển chưa cao. Ảnh: Android Central. |
Trên điện thoại, hẳn bạn còn nhớ câu chuyện nhiều nhà sản xuất smartphone bỏ cổng tai nghe và sử dụng đầu chuyển cắm vào cổng USB type-C. Tuy vậy do mỗi hãng lại chọn một chuẩn nên bộ chuyển của máy này có thể không tương thích với máy khác, khiến trải nghiệm bỏ giắc 3,5mm trên máy Android trở thành thảm họa.
Nếu như chờ đợi type-C sẽ làm cho mọi việc đơn giản hơn thì có thể bạn đã nhầm. Ý tưởng “một kết nối cho mọi thiết bị” nghe thì rất hay, nhưng thực tế là các tiêu chuẩn khiến cho việc sử dụng quá phức tạp và rắc rối.
Một chiếc cáp USB type-C có thể cắm vào mọi thiết bị, nhưng có sử dụng được hay không lại là chuyện khác. Đến lúc tổ chức USB và các hãng đưa ra được các tiêu chuẩn và hướng dẫn đồng bộ, có lẽ chúng ta đã sử dụng đến chuẩn USB type-D.