Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Uống bia ít hại hơn rượu?

Tác hại của bia rượu tới sức khỏe chủ yếu do chất cồn gây ra. Vì vậy, tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà là liều lượng và cách thức sử dụng.

Uống rượu bia có thể hủy hoại cuộc sống của mỗi cá nhân, gây đổ vỡ gia đình và phá vỡ sự gắn kết cộng đồng. Ảnh: Flickr.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), rượu bia là chất hướng thần với đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Rượu bia được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nền văn hóa qua nhiều thế kỷ. Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra nhiều bệnh tật, là gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội.

Theo Chiến lược toàn cầu về giảm sử dụng đồ uống có cồn ở mức nguy hại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khái niệm sử dụng rượu bia ở mức nguy hại rất rộng. Chúng bao gồm cả việc sử dụng mà gây ra hệ quả bất lợi về sức khỏe và xã hội cho người uống, những người xung quanh, cũng như các hình thức sử dụng rượu bia liên quan tới với việc gia tăng các nguy cơ gây bất lợi cho sức khỏe.

Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và được coi là một trong các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sức khỏe kém trên toàn cầu. Uống rượu bia có thể hủy hoại cuộc sống của mỗi cá nhân, gây đổ vỡ gia đình và phá vỡ sự gắn kết cộng đồng.

Như thế nào gọi là uống rượu bia ở mức nguy hại?

Để hình dung và ước tính khối lượng cồn nguyên chất đã tiêu thụ, nhiều quốc gia đã đưa định nghĩa đồ uống có cồn và định nghĩa về đơn vị chuẩn vào hướng dẫn quốc gia. 50 quốc gia đã định nghĩa đơn vị tiêu chuẩn tính theo gam chất cồn tuyệt đối. Cho đến nay, 10 gam là mức phổ thông nhất cho một đơn vị cồn tiêu chuẩn (tại 26 quốc gia).

Đơn vị cồn được tính bằng công thức sau: Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (nồng độ (%) x khối lượng riêng). Ví dụ: Cốc bia 0,33 lít với nồng độ cồn 4% sẽ có 10,4 g đơn vị cồn. Cồn nguyên chất có khối lượng riêng là 0.793 g/cm3 (ở 200 độ C). Như vậy, một đơn vị tiêu chuẩn (10 gam cồn nguyên chất) tương đương với 3/4 chai hoặc một lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%)

Uống rượu bia ở mức nguy hại được định nghĩa là trong 30 ngày qua có ít nhất một lần uống từ 60 g cồn trở lên (6 đơn vị cồn trở lên). Uống rượu bia ở mức nguy hại là một trong những chỉ số quan trọng nhất phản ánh hậu quả cấp tính về sức khỏe và xã hội của việc sử dụng rượu bia, ví dụ như thương tích.

Bia hay rượu hại sức khỏe hơn?

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết nếu uống cùng một lượng bia hoặc rượu, bia sẽ có nồng độ cồn thấp hơn. Loại đồ uống này cũng được tinh chế theo quy chuẩn tốt hơn. Ngoài ra, rượu có rất nhiều loại, được ngâm tẩm, có thể có cả cồn công nghiệp. Vì vậy, rượu không đáng tin cậy bằng.

Tuy nhiên, người dân có thói quen uống nhiều bia một lúc, điều này cũng gây hại cho cơ thể.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tác hại đối với sức khỏe của bia rượu chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Vì vậy, tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà là lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng hay uống ở mức nguy hại).

bia hay ruou hai hon anh 1

Tác hại đối với sức khỏe của bia rượu chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Ảnh: Hypatena.

Ngưỡng uống rượu bia hạn chế gây hại cho sức khỏe

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tổng hợp các nghiên cứu về đồ uống có cồn và nguy cơ ung thư của Ủy ban về các chất gây ung thư (CoC) - Vương quốc Anh, cho thấy uống rượu bia ở bất kỳ mức độ thông thường nào cũng gây nguy cơ và nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ.

Các mối liên quan giữa rượu bia và ung thư đã không được hiểu đầy đủ trong hướng dẫn ban hành trước đây. Vì vậy, hướng dẫn mới của Cơ quan y tế Anh sẽ nhằm mục đích giảm thấp nguy cơ tử vong do ung thư và các bệnh khác.

Nghiên cứu cũng cho thấy lợi ích của rượu bia đối với sức khỏe tim mạch chỉ phù hợp cho phụ nữ ở độ tuổi từ 55 trở lên. Lợi ích lớn nhất có thể mang lại khi những phụ nữ này hạn chế ở mức độ uống 5 đơn vị mỗi tuần (khoảng 4 đơn vị cồn). Các chuyên gia đã đi đến kết luận rằng không có một lý do nào biện minh cho việc uống vì sức khỏe.

Những bằng chứng trên đã dẫn tới việc Cơ quan y tế của nước Anh thay đổi Hướng dẫn về sử dụng đồ uống có cồn đối với nam giới. Cụ thể, nam giới không nên uống nhiều hơn 14 đơn vị mỗi tuần, mức độ tương tự cũng được khuyến cáo đối với phụ nữ.

Mức độ này tương đương với 6 lon bia có độ mạnh trung bình một tuần, khi đó sẽ giữ cho nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác ở mức thấp. Các hướng dẫn trước đây là 21 đơn vị đối với nam và 14 đơn vị cho nữ mỗi tuần (một đơn vị đồ uống của Anh tương đương với khoảng 8 gram cồn nguyên chất).

Một khuyến cáo nữa là không nên uống dồn cả 14 đơn vị trong một hoặc 2 ngày mà phải chia ra trong ít nhất từ 3 ngày trở lên. Những người có một hoặc 2 lần uống rượu quá độ mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh mạn tính và tai nạn, thương tích.

Để giảm lượng cồn dung nạp vào cơ thể thì phải có vài ngày không uống rượu bia trong một tuần. Đối với phụ nữ mang thai, bạn không có mức uống rượu bia nào là an toàn. Những lời khuyên trước đây cho phụ nữ mang thai về việc giới hạn số lần uống rượu mỗi tuần ở mức một hoặc hai lần (mỗi lần không quá 1-2 đơn vị) đã được loại bỏ.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Thời gian có thể lái xe an toàn sau khi uống rượu, bia

Tết là thời điểm người dân có xu hướng uống nhiều rượu, bia hơn. Điều này tạo ra nguy cơ lớn xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm