Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ước mơ nối nghiệp bố của con gái liệt sĩ Gạc Ma

Dù học giỏi và không ngừng nỗ lực, ước mơ nối nghề y của Trang có lúc lâm vào ngõ cụt. Cho đến gần đây, qua Facebook của Bộ trưởng Y tế, ước mơ đó mới được nhen nhóm trở lại.

Việc cô gái Phan Thị Trang (27 tuổi, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) - con liệt sĩ Gạc Ma Phan Huy Sơn - gửi tâm thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế qua Facebook khiến vùng quê nghèo vốn ít có điều kiện tiếp xúc với Internet bỗng trở nên sôi động. Đằng sau đó là câu chuyện nhiều nước mắt, chất chứa ước mơ giản dị của cô bé mồ côi bố từ khi chưa chào đời.

Hơn 30 năm trước, cô gái Trần Thị Ninh và anh Phan Huy Sơn, vốn là bạn học cùng khóa, nên duyên vợ chồng. Năm 1981, lập gia đình được 4 tháng thì anh Sơn lên đường nhập ngũ. Sau thời gian hoàn thành huấn luyện, đơn vị tiếp tục cử anh đi học khóa đào tạo cán bộ y sĩ rồi về công tác tại đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa).

Con gái liệt sĩ Gạc Ma xin việc qua Facebook Bộ trưởng

Bố mất sau trận hải chiến 1988, Trang và người anh trai tàn tật sống cùng mẹ. Tốt nghiệp ngành điều dưỡng, cô vẫn thất nghiệp trong khi mẹ lại lâm bệnh nặng, gia đình khó khăn.

Sau nhiều năm tháng xa nhà, năm 1984, y sĩ Sơn được tạo điều kiện về thăm nhà. Cũng dịp này chị Ninh mang thai đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, không kịp chờ vợ sinh, người lính trẻ lại phải xa gia đình trở lại đơn vị.

Cuối năm đó, thiếu phụ Ninh sinh ra đứa con trai đặt tên là Phan Huy Hà. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, Hà sinh ra 4 ngày liền không khóc, một tuần không bú sữa mẹ. Theo thời gian, căn bệnh Thiểu năng trí tuệ, bại não của Hà càng biểu hiện rõ.

Năm 1988, anh Sơn một lần nữa được cấp trên cho nghỉ phép và lần thứ hai vợ anh mang thai. Biết việc trước ngày lên đường trở lại đơn vị, anh chỉ biết động viên vợ: “Em đã mang thai, lần trước em sinh anh không về nhưng lần này anh sẽ cố gắng về với mẹ con”.

Thế nhưng, đây cũng là lần cuối cùng người thiếu phụ được gặp chồng mình. Ngày 14/3/1988, chiến sĩ Phan Huy Sơn cùng 63 đồng đội trên tàu HQ 604 hy sinh sau trận chiến với lực lượng Trung Quốc.

Nén nỗi đau mất chồng, chị Ninh một mình vượt cạn. May mắn lần này bé Phan Thị Trang khỏe mạnh. Trang sinh ra chưa một lần được nhìn mặt bố nhưng qua những câu chuyện mà mẹ, ông bà ngoại và hàng xóm kể, em hình dung rõ về người bố đáng kính của mình.

Một thời gian sau khi chiến sĩ Sơn hy sinh, vì nhiều lý do nên 3 mẹ con bà Ninh phải ra ở riêng. Họ nương tựa vào nhau kiếm sống qua ngày. Vất vả, thiếu thốn nhưng bà Ninh cũng cảm thấy ấm lòng khi Trang là người biết thương mẹ và anh trai.

Trang kể về những kỉ niệm của bố khi nghe được từ người mẹ, ông bà ngoại và những người hàng xóm.
Trang kể về những kỷ niệm của bố khi nghe được từ người mẹ, ông bà ngoại và những người hàng xóm. Ảnh: Phạm Hòa.

Một buổi đi học, buổi còn lại Trang ở nhà đi cấy, đi cắt cỏ, hoặc trông anh. Trang học giỏi và đều tất cả các môn. Suốt nhiều năm liền, em đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Mỗi tối, cô bé thường được mẹ kể cho nghe những kỷ niệm ít ỏi về bố. Bà dặn dò Trang cố gắng học hành nên người để sau này lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Từ những câu chuyện mẹ kể cô gái trẻ luôn tự hào về bố và nhen nhóm ước mơ được nối nghiệp người cha chưa một lần gặp mặt.

“Em nhớ nhất là kỷ niệm mà mẹ kể về bố khi lần thứ hai về nghỉ phép. Mẹ nói, đợt đó biết mẹ mang thai, bố vui lắm. Trước khi lên lên đường vào đơn vị, bố hứa sẽ về chăm sóc mẹ con em khi mẹ sinh. Nhưng rồi bố đã mãi mãi không trở về nữa…”, giọng Trang trầm lặng.

Vị thuyền trưởng anh hùng trong trận Gạc Ma 1988

Trong thời khắc sinh tử, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ hạ lệnh mở hết tốc lực, tàu HQ 505 phi thẳng lên đảo, trở thành pháo đài kiên cố.

Năm lên lớp 8, Trang hỏi cô giáo chủ nhiệm học môn nào để thi vào được ngành y. Nghe cô nói khối B (Toán, Hóa, Sinh), thế là Trang lao vào chuyên tâm học tập những môn này. Từ lớp 9 đến lớp 12, nữ sinh này là học sinh giỏi cả 3 môn đó, đặc biệt là sinh học.

Học xong THPT, Phan Thị Trang làm hồ sơ thi vào trường Học viện Quân y nhưng không đủ tiêu chuẩn nên đành phải gác lại ước mơ. Gánh nặng cơm áo đè lên vai Trang khi người anh thì tàn tật, người mẹ ngày càng ốm yếu.

Trang đọc lại lá thư của bố gửi cho mẹ.
Trang đọc lại lá thư của bố gửi cho mẹ. Ảnh: Phạm Hòa.

Sau thời gian gián đoạn, Trang thi đỗ vào Khoa sư phạm Sinh học của Đại học Vinh. Hai năm tiết kiệm để học tập, đến năm 2009 vì hoàn cảnh khó khăn, bệnh tình anh trai ngày càng nặng nên Trang đành phải bỏ học giữa chừng. Thế nhưng, khó khăn đó không cản được ước mơ được làm việc trong ngành y của cô gái.

Một lần nữa, năm 2011, Trang quyết tâm thi lại và đậu vào trường Đại học Y khoa Vinh, hệ Cao đẳng điều dưỡng. Ba năm vất vả học hành, có lúc tưởng chừng lại phải bỏ dở giữa chừng vì mẹ lâm bệnh nặng. Nhưng rồi, cuối cùng Trang cũng cầm được tấm bằng tốt nghiệp.

Ước mơ được thực hiện một phần, ngày Trang cầm tấm bằng tốt nghiệp, bà Ninh vui mừng đến nỗi không kìm được nước mắt. Còn với Trang, từ đây em có thể thực hiện lời hứa với bố mẹ, đó là đi tiếp con đường còn dang dở của bố ngày xưa.

Thế nhưng, khi Trang cầm hồ sơ đi nộp vào các bệnh viện và cơ sở y tế thì không nơi nào chấp nhận. Ước mơ của cô con gái liệt sĩ Gạc Ma tưởng chừng như sắp vuột mất.

Mãi cho đến tuần trước, Trang vô tình được bạn chỉ cho trang Facebook cá nhân của Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến. Sau ít đắn đo, cô gái viết tâm thư gửi người đứng đầu ngành y.

Nhận được tâm thư của Trang, ngày 13/3, Văn phòng Bộ Y tế đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế Nghệ An xem xét bố trí việc làm phù hợp cho Trang.

Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Sở đã nhận được công văn từ Bộ trưởng Bộ Y tế qua email. Vị Giám đốc Sở cũng cho hay, Bộ trưởng Tiến đã đích thân điện thoại trao đổi về vấn đề giúp đỡ, bố trí việc làm cho Trang.

Theo ông Long, hiện Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ làm quy trình xét tuyển dụng trường hợp Phan Thị Trang trình lên UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Khi có kết quả, Sở sẽ sẽ bố trí việc làm cho Trang ở cơ sở y tế gần nhà theo đúng nguyện vọng.

Ông Long cùng đoàn công tác về thăm mẹ con bà Ninh. Ảnh Vietnamnet
Ông Long (đeo kính) cùng đoàn công tác về thăm mẹ con bà Ninh. Ảnh: Vietnamnet.

Cũng theo ông Long, trước khi Bộ Y tế có công văn thì Sở Y tế Nghệ An đã nhận được lá đơn của em Trang về nguyện vọng tạo điều kiện xin việc làm. Lúc đó, Sở đã xác định cần xem xét, hỗ trợ cho đối tượng chính sách này một cách hợp lý. Sở làm tờ trình gửi Sở Nội vụ nhưng do chính sách tuyển dụng nghiêm ngặt, hơn nữa, trường hợp của Trang không có hướng dẫn tuyển thẳng nên Sở Y tế cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, mới đây hai sở đã thống nhất tuyển Phan Thị Trang vào Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu. “Hướng giải quyết là cắt bớt một chỉ tiêu biên chế bác sĩ tại huyện Diễn Châu, bố trí một suất điều dưỡng dành cho Trang”, ông Long nói.

Nói về việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người mẹ và anh trai bị bại não của Trang, ông Long cho biết, Sở đã yêu cầu một kíp bác sĩ về trực tiếp thăm khám để có hướng điều trị. 

Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý phê duyệt đặc cách cho Phan Thị Trang (27 tuổi) vào biên chế tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu. Đây cũng là nguyện vọng của cô và gia đình khi viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Trang tốt nghiệp ngành Điều dưỡng hệ Cao đẳng của Trường Đại học Y khoa Vinh năm 2014. Trong quá trình học tập, em luôn phấn đấu học tập, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá. 

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, ngày 17/3, ông Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An và ông Trần Đức Tiến, Giám độc Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu đã ra tận nhà thông báo tin vui này cho Trang biết. Đoàn cũng đã tổ chức thăm, tặng quà cho gia đình bà Trần Thị Ninh - vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn. Điều đặc biệt, ngày Phan Thị Trang nhận được tin vui, cũng là ngày giỗ bố mình.

Qua Facebook, Bộ trưởng Y tế giúp con của chiến sĩ Trường Sa

Bộ trưởng Y tế đã nhận được tâm thư của sĩ quan Nguyễn Anh Ninh kể về hoàn cảnh của con gái của một sĩ quan khác bị thiếu máu bẩm sinh.

Phạm Hòa

Bạn có thể quan tâm