Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

UOB: Hầu hết doanh nghiệp Việt muốn đầu tư ra nước ngoài

Nghiên cứu của UOB cho biết hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh và có kế hoạch đầu tư cho thị trường nước ngoài trong 3 năm tới.

Ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp tại UOB Việt Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu. Ảnh: UOB.

Ngân hàng UOB Việt Nam vừa công bố Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024, dựa trên khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo đó, ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp tại UOB Việt Nam cho biết hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại. Tâm lý lạc quan này cao hơn mức trung bình của khu vực.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh họ "lạc quan một cách thận trọng". "Các doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh khi triển vọng kinh tế tốt hơn, nhưng dựa trên kinh nghiệm trong những năm gần đây, họ hiểu rằng cần chuẩn bị cho những ngày giông bão. Tôi nghĩ đây cũng là thực hành tốt", ông Lim chia sẻ.

Để cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm nay, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, nâng cấp trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất để nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Đáng chú ý, gần 90% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Theo ông Lim Dyi Chang, đây có thể là hoạt động đầu tư, mở văn phòng, cơ sở kinh doanh ở nước ngoài, hoặc mua bán, giao thương với thị trường quốc tế.

Trong đó, cứ 10 doanh nghiệp thì có gần 7 đơn vị chỉ ra ASEAN là lựa chọn hàng đầu. Tại đây, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Trung Quốc đại lục là thị trường trọng điểm thứ hai, với 37% doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia này.

Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài vẫn là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Khoảng 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát của UOB cho biết họ thiếu khách hàng tại các thị trường mới và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp. Rào cản về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế cũng chiếm tỷ trọng tương đương.

Để thành công trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang mong đợi những hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế (42%), các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới (40%).

Bên cạnh những hỗ trợ tài chính này, hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các hỗ trợ phi tài chính, như kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng tiềm năng mà công ty của họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.

Đánh giá chung về xu hướng này, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM cho rằng Việt Nam đang thực sự là một nền kinh tế mở, có những giai đoạn kim ngạch xuất khẩu gấp đôi GDP. Hiện Việt Nam đã tham gia 15 FTA đang có hiệu lực, và trong tương lai gần con số này sẽ tăng lên thành 19.

"Đây là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng là thách thức. Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu hơn, chúng ta càng dễ chịu tác động bởi các vấn đề của thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cần tính toán cẩn trọng và có những giải pháp ứng phó tốt", ông Liêm nói.

UOB giữ dự báo kinh tế Việt Nam tăng 6% năm nay

Với kết quả tăng trưởng kinh tế quý II năm nay cao hơn kỳ vọng của UOB, tổ chức tài chính này đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam cả năm 2024 vẫn tươi sáng.

'Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc'

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm