Quảng cáo về những chiếc áo choàng Uniqlo cho thấy nhân vật thời trang cao tuổi Iris Apfel trò chuyện với nhà thiết kế Kheris Rogers, 85 tuổi.
Khi được hỏi bà đã ăn mặc thế nào khi còn là thiếu niên, Apfel tóc bạc trả lời một cách ngây thơ: "Ôi chúa ơi. Tôi không thể nhớ được lâu đến thế". Tuy nhiên, phụ đề cho phiên bản Hàn Quốc của quảng cáo lại diễn giải hơi khác: "Tôi không thể nhớ những điều đã xảy ra hơn 80 năm trước".
Câu nói này gợi nhắc đến thời điểm năm 1939, vào cuối thời kỳ cai trị thực dân tàn bạo của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó đã khiến một số người Hàn Quốc phản ứng dữ dội.
Logo Uniqlo tại một cửa hàng ở New York, ngày 19/3. Ảnh: Reuters. |
"Một quốc gia bỏ quên lịch sử thì không có tương lai. Chúng tôi không thể quên những gì đã xảy ra cách đây 80 năm mà Uniqlo đem ra làm trò vui", một người dùng Internet bình luận trên Naver, cổng thông tin lớn nhất của Hàn Quốc.
Cụm từ "Uniqlo, phụ nữ mua vui", liên quan đến những phụ nữ bị buộc trở thành nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II, là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Naver vào cuối tuần. Hôm 21/10, những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài các cửa hàng Uniqlo.
Seoul và Tokyo đang trải qua giai đoạn căng thẳng về thương mại và ngoại giao xuất phát từ các tranh chấp lịch sử. Người tiêu dùng Hàn Quốc đã tiến hành tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản.
Với 186 cửa hàng tại Hàn Quốc, Uniqlo trở thành một trong những mục tiêu cao cấp nhất, trong khi doanh số của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản giảm gần 60% tính đến tháng 9.
Công ty đã bác bỏ các cáo buộc trong một tuyên bố, nói rằng câu từ đã được thay đổi để làm nổi bật khoảng cách tuổi tác giữa các cá nhân và cho thấy rằng các bộ áo choàng của họ là dành cho những người "qua nhiều thế hệ".
"Quảng cáo không có ý định ám chỉ bất cứ điều gì" về cai trị thực dân, một đại diện của Uniqlo nói với AFP hôm 21/10 và cho biết thêm rằng công ty đã rút quảng cáo trong nỗ lực kiểm soát thiệt hại.