Trong những cảnh đầu của Ký sinh trùng, phim bom tấn của Hàn Quốc, một cô gái trẻ từ một gia đình nghèo làm giả giấy nhập học đại học cho em trai mình. Anh trai cô đang xin làm gia sư cho con gái một gia đình giàu có.
Tuy nhiên, khi cậu đến nhà của gia đình kia, mẹ của cô bé cũng không nhìn vào hồ sơ, mà chỉ nói bà tin tưởng cậu, vì cậu được gia sư trước của cô bé giới thiệu. Người gia sư này vừa mới đi du học.
Economist nhận định rằng hơn bất kỳ nước nào khác, bằng cấp là điều rất cần để tạo chỗ đứng trong xã hội Hàn Quốc. Nhưng bộ phim này còn cho thấy một sự thật khác: nếu biết đúng người, kết quả thi cử lại không còn quan trọng.
Một cảnh trong phim Ký sinh trùng, trong đó hai anh em đang cố bắt mạng wifi. Ảnh: Madman Entertainment. |
Chạm đến bất bình của người Hàn Quốc
Ký sinh trùng giành giải Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes, và cũng chạm đến tâm sự của nhiều người Hàn Quốc. Trong một đất nước 52 triệu dân, các rạp phim đã bán được 10 triệu vé xem Ký sinh trùng, kể từ khi phim ra mắt cuối tháng 5.
Không ngạc nhiên khi bộ phim chế giễu sự bất công xã hội lại được chờ đón tới vậy. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã hứa sẽ làm Hàn Quốc “công bằng hơn” khi lên nắm quyền năm 2017, sau khi người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống Park Geun Hye, bị luận tội (và sau này bị kết án tù), vì lạm dụng quyền lực để nâng đỡ con gái một người bạn của bà - đây chỉ là một trong số các hành vi lạm quyền của bà Park.
Nhưng gần đây, một bê bối nâng đỡ người quen khác đã bủa vây ông Cho Kuk, Bộ trưởng Tư pháp mới được ông Moon bổ nhiệm.
Trước khi ông Cho được đề cử, truyền thông Hàn Quốc đưa tin con gái của ông Cho, ở tuổi gần 30, đã được thiên vị khi đi học. Cô nhận các học bổng lớn bất chấp hai lần thi trượt kỳ thi trường y, được ghi tên vào một nghiên cứu học thuật dù vẫn còn đang học phổ thông. Cô chỉ thực tập hai tuần ở phòng thí nghiệm mà nghiên cứu trên được tiến hành, và phòng thí nghiệm đó do bạn của vợ ông Cho làm chủ.
Người biểu tình tuần hành gần Nhà Xanh ngày 9/10 để phản đối Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk. Ảnh: AP. |
Ông Cho đã xin lỗi vì “gây thất vọng”. Ngày 14/10, ông đệ đơn từ chức giữa cuộc điều tra xoay quanh các cáo buộc. Chính ông được Tổng thống Moon giao nhiệm vụ cải cách văn phòng công tố, để văn phòng này không bỏ sót những nhân vật tham nhũng.
Câu chuyện trên khiến người Hàn Quốc nhớ lại bê bối đã khiến cựu thủ tướng Park Geun Hye phải từ chức. Bạn của bà Park đã dùng ảnh hưởng của bà để thuyết phục trường đại học thay đổi tiêu chí tuyển sinh, để con gái mình được nhận.
Các sinh viên phẫn nộ đã xuống đường biểu tình phản đối ông Cho. “Tôi không có vấn đề gì với sự cạnh tranh, nhưng tôi thấy bất bình vì sự hai mặt”, Lee Jong Bae, người đang vận động cho cải cách về tuyển sinh, nói với Economist.
“Họ đã hứa một xã hội công bằng hơn, nhưng thay vào đó, chúng tôi lại thấy những bê bối cho thấy đặc quyền được cha mẹ truyền lại cho con, và bạn khó mà thành đạt trừ khi cha mẹ bạn thành đạt”.
Sự thất vọng của Lee khá phổ biến. Gần 2/3 người Hàn Quốc dưới 30 tuổi tin rằng họ khó leo lên nấc thang địa vị xã hội. 6 năm trước, chỉ một nửa người Hàn Quốc tin như vậy.
Người biểu tình tuần hành gần Nhà Xanh ngày 9/10 để phản đối Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk. Ảnh: AP. |
Các nỗ lực làm xã hội công bằng
Họ có lý do để bi quan. Sự thành đạt của thanh niên Hàn Quốc có liên hệ chặt chẽ với địa vị của cha mẹ, nhiều hơn tất cả nước khác trong khối OECD, theo một nghiên cứu được xuất bản năm ngoái.
Dữ liệu từ Bộ Giáo dục cho thấy tỷ lệ sinh viên được hỗ trợ tài chính ở các trường hàng đầu của Hàn Quốc chỉ bằng gần một nửa so với trung bình toàn quốc, cho thấy các trường top đa phần là các sinh viên nhà giàu.
Vấn nạn này không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc, theo Lee Cheol Sung từ Đại học Sogang. “Gia thế luôn là một yếu tố quan trọng để thành đạt, ở đâu cũng vậy”, ông nói, và nhắc đến các vụ việc nhà giàu ở Mỹ hối lộ, lừa đảo để giành chỗ cho con vào đại học. Thi cử ở Việt Nam thời gian qua cũng chứng kiến bê bối nâng điểm cho con em một số quan chức.
Nhưng các vụ bê bối đã gây phẫn nộ đặc biệt ở Hàn Quốc, ông nói thêm, vì cấu trúc thị trường lao động cứng nhắc ở nước này, không cho những người đang lập nghiệp nhiều cơ hội.
“Đây là vấn đề mang tính hệ thống - có những người lớn tuổi có lương cao, và khó sa thải”, ông nói với Economist.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở xứ sở kim chi là 10,4% vào mùa hè này. Nhưng cách tính tỷ lệ thất nghiệp không bao gồm những người đã bỏ cuộc, không tìm việc nữa, và những người phải đi học lên để trì hoãn tìm việc. Nếu tính cả những nhóm đó, tỷ lệ thất nghiệp thực sự trong giới trẻ có thể là 25%, theo một số nhà kinh tế.
Ông Moon đã nỗ lực để làm cuộc chơi công bằng hơn. Chính quyền của ông đã trợ cấp cho các công ty tuyển người trẻ, khuyến khích các công ty ký hợp đồng chính thức cho nhân viên, và trợ cấp 500.000 won (420 USD) cho thanh niên các gia đình nghèo chưa thể tìm việc.
Chính quyền cũng cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng, như bắt điền tên, chức vụ của cha mẹ trong đơn ứng tuyển, đồng thời thắt chặt quy định đối với các nhà lập pháp muốn tuyển dụng người nhà.
Một dự luật sắp được đưa ra, cấm việc dùng người tư vấn hay người làm hộ đơn ứng tuyển vào đại học, được cho là khiến người giàu có lợi hơn khi tuyển sinh. Nếu có tiền, các bậc phụ huynh có thể chi hàng nghìn USD vào các dịch vụ như vậy, phổ biến đến mức trở thành chủ đề của phim Sky Castle (Lâu đài trên không).
Trong một tập phim, một ông bố giàu có mua cho con chiếc mô hình kim tự tháp để dạy con mình về xã hội Hàn Quốc. Một số người Hàn nói phim này thật đến mức họ không thể chịu nổi khi xem, theo Economist.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Ảnh: Getty Images. |