Theo đó, hãng thời trang lớn nhất Nhật Bản này sẽ đón khách Việt Nam từ đầu tháng 12 với chiến lược nội địa hóa thương hiệu, thông qua kết hợp với một số nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng.
Chiếm trọn 3.000 m2 ở vị trí đắc địa tại ngã tư Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi giữa trung tâm quận 1, TP.HCM, đây được cho là một trong những cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á của Uniqlo.
Ông Osamu Ikezoe - đồng Giám đốc điều hành Uniqlo Việt Nam - cho biết, các sản phẩm bày bán tại đây sẽ đi theo concept Lifewear, tức tập trung vào nhu cầu sử dụng hàng ngày cho nhiều đối tượng khách hàng.
Dù chưa có cửa hàng chính thức tại Việt Nam nhưng trang chủ tiếng Việt của Uniqlo đã bắt đầu niêm yết giá từ 99.000 đồng tới vài triệu đồng. |
Từ cuối tháng 10, trang web tiếng Việt của Uniqlo đã đăng tải đầy đủ sản phẩm từ thời trang nam, nữ tới đồ trẻ em và phụ kiện, niêm yết đầy đủ mức giá bằng VND.
Như vậy, đến nay, cả 3 ông lớn thời trang nhanh Zara, H&M và Uniqlo đều đã có mặt tại Việt Nam. Đây là thị trường được định giá 5 tỷ USD năm 2018, dự kiến đạt 7 tỷ USD năm 2023, theo quỹ đầu tư Seedcom.
Thời trang nhanh xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2004 với cái tên đầu tiên là Mango nhưng chỉ thực sự bùng nổ từ khi Zara mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM vào năm 2016. Đến nay, thương hiệu này sở hữu 2 cửa hàng trong khi H&M có đến 7 điểm bán.