Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứng xử xấu xí của người đẹp Việt sau các cuộc thi hoa hậu

Danh hiệu của các người đẹp Việt đang dần mất đi giá trị đích thực mà chỉ để lại những tai tiếng, scandal xấu xí trong mắt công chúng.

Nữ hoàng sắc đẹp hay câu chuyện thùng rác

Mới đây, công chúng vô cùng xôn xao trước thông tin cũng như hình ảnh một thí sinh vứt giải thưởng vào xe rác và lên mạng xã hội chỉ trích BTC cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam.

Được biết, cuộc thi vừa diễn ra cách đây ít ngày với ngôi vị cao nhất thuộc về Trần Thị Yến Hoa, cùng Á hoàng 1 Dương Kim Ánh, Á hoàng 2 Đặng Thu Hằng. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều giải phụ được trao cho những người đẹp khác như Nữ hoàng Du lịch, Nữ hoàng Nhân ái, Người đẹp hình thể ... Trong đó, người đẹp Trần Ngọc Bích đoạt danh hiệu Người đẹp hình thể.

Người đẹp hình thể Ngọc Bích gây sốc khi vứt giải thưởng vào xe rác.

Theo như chia sẻ của Ngọc Bích trên trang cá nhân, người đẹp tỏ ra khá bức xúc với Ban tổ chức khi nói rằng cô không cần tới cái danh hiệu người đẹp hình thể vì bố mẹ sinh ra cô vốn đã có hình thể đẹp rồi. Tuy nhiên, cô cảm thấy BTC không uy tín, không chuyên nghiệp và quá kém cỏi khi tổ chức chương trình này và bóng gió chuyện mua bán giải thưởng dẫn đến việc cô không đạt được danh hiệu xứng đáng như những gì cô đã thể hiện.

“Ban tổ chức làm ăn không uy tín và thể hiện rõ sự không chuyên nghiệp như thế là kém cỏi quá.... Và nếu là em, em cũng không bỏ cả một đống tiền ra để mua cái hư danh về làm gì trong khi cả thiên hạ chửi vào mặt cho. Thật thảm hại và đáng thương!” -  Ngọc Bích viết.

Thí sinh 'Nữ hoàng sắc đẹp Việt' vứt danh hiệu vào xe rác

Bên cạnh lùm xùm về thí sinh, cuộc thi nhan sắc "ao làng" cũng đứng trước nguy cơ bị phạt hành chính tới 50 triệu đồng do tổ chức chui.

Ngọc Bích khẳng định BTC cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp không chuyên nghiệp.

Trước những lời của Ngọc Bích, nhiều người tỏ ra không đồng tình về cách cư xử này và cho rằng hành động vứt danh hiệu vào xe rác của cô là thiếu văn hóa. Thậm chí có người còn mạnh miệng hơn khi nói Ngọc Bích rằng "tư duy, văn hoá đứng cạnh thùng rác". Còn Ngọc Bích vẫn khẳng định mình không sai và cho rằng chính Ban tổ chức cuộc thi mới là người "móc rác" lên để đeo vương miện. Về phía BTC cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa lên tiếng bất kỳ điều gì về cách ứng xử của người đẹp Ngọc Bích. Nhưng phần nào công chúng thêm hoài nghi về những cuộc thi nhan sắc thời gian gần đây.

BTC cuộc thi nhan sắc vứt danh hiệu có thể bị phạt 50 triệu

Công văn hỏa tốc của Cục yêu cầu làm rõ vi phạm của ban tổ chức cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam và xử lý nghiêm khắc.

Giá trị thật của vương miện Hoa hậu Dân tộc

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện ồn ào của Hoa hậu Dân tộc Triệu Thị Hà đòi trả vương miện cách đây không lâu. Lý do được Triệu Thị Hà đưa ra là vì sức khỏe không được tốt, không đủ điều kiện để thực hiện các quy chế của Ban tổ chức và Ban chỉ đạo. "Để đảm bảo sự nghiêm minh của Ban tổ chức, Ban chỉ đạo và Ban giám khảo, kính xin quý ban chấp thuận và em xin hứa sẽ vẫn giữ gìn đạo đức, tư cách để không làm ảnh hưởng đến uy tín của cuộc thi" - cô viết.

Triệu Thị Hà khi đăng quang Hoa hậu Dân tộc năm 2011.

Triệu Thị Hà cho biết thêm, cô phải chịu nhiều áp lực và vất vả sau khi đăng quang bởi phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ nhưng chỉ được... vài triệu đồng gửi về nhà. Đồng thời, cô còn tiết lộ, BTC thường xuyên bắt cô và các người đẹp khác phải đi tiếp khách từ sáng đến khuya 12 giờ đêm mới về.

Triệu Thị Hà trở thành Hoa Hậu các dân tộc VN 2011 khi cô tròn 19 tuổi, và đang theo học ĐH Thái Nguyên. Sau khi đăng quang, Triệu Thị Hà gần như mất tích hoàn toàn trên truyền thông.

Tuyên bố muốn trả lại vương miện Hoa hậu của Triệu Thị Hà đã khiến không ít người ngỡ ngàng và tạo ra nhiều luồng tranh luận trái chiều. Nhiều người cho rằng Triệu Thị Hà đã "dũng cảm" khi dám từ bỏ vương miện - một điều mơ ước của không ít cô gái. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lại có người phản đối quyết định này, cho rằng Triệu Thị Hà đã không thực hiện đúng sứ mệnh của một hoa hậu bởi việc đồng hành cùng cuộc thi sau khi đăng quang là điều hoàn toàn bình thường.

Hoa hậu Triệu Thị Hà xin trả lại vương miện

Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 viết đơn từ bỏ danh hiệu với lý do sức khỏe không tốt.

Đơn xin trả lại danh hiệu Hoa hậu Dân tộc của Triệu Thị Hà.

Chưa dừng lại đó, là những cuộc tranh luận ồn ào trên truyền thông giữa Triệu Thị Hà và Quý bà Kim Hồng – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Trước những áp lực, Triệu Thị Hà lại phát biểu cô bị buộc vào thế phải làm đơn xin từ bỏ danh hiệu và bản thân không mong muốn điều này. Cô cũng bày tỏ nguyện vọng được Cục Nghệ thuật Biểu diễn xem xét lại để có thể giữ lại danh hiệu mà cô đã nỗ lực đạt được.

Tuy nhiên, về phía bà Kim Hồng lại kiên quyết đề nghị cơ quan chức năng thu hồi danh hiệu của Triệu Thị Hà. Lý do bà Hồng đưa ra người đẹp dân tộc Nùng vướng vào chuyện yêu đương, bỏ bê trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ của một hoa hậu.

Đến thời điểm hiện tại, phía Cục văn hóa nghệ thuật đã không chấp nhận lá đơn này. Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ra công văn khẳng định, chưa có quy định pháp luật nào về việc thu hồi vương miện. Và dĩ nhiên, từ một Hoa hậu Dân tộc ít người nhớ đến sau khi đăng quang thì giờ đây, cái tên Triệu Thị Hà đã được nhắc nhiều hơn. Người ta không gọi cô là Hoa hậu Dân tộc nữa mà thay vào cái tên có phần quen thuộc là “Hoa hậu trả vương miện”.

Bà Kim Hồng: 'Quyết thu hồi vương miện của Triệu Thị Hà'

Quý bà Kim Hồng cho biết, đến thời điểm này, dù Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 thay đổi ý định xin trả vương miện, ban tổ chức vẫn quyết thu hồi.

“Ngoảnh mặt quay lưng” với Hoa hậu hoàn vũ

Môt trường hợp “quay lưng” lại chính cuộc thi mình tham gia khác đáng kể chính là siêu mẫu Hà Anh. Những ai từng theo dõi cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam năm 2008 chắc hẳn vẫn nhớ hình ảnh Hà Anh bỏ vào cánh gà khi không được xướng tên vào top 5. Khi đó, Hà Anh được biết đến là một du học sinh ở Anh. Và năm 2005, Hà Anh giành được giải thưởng phụ Người có hình thể đẹp nhất trong cuộc thi Hoa Hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2005.

Trước đêm chung kết, Hà Anh được đánh giá là một trong số các thí sinh tiềm năng, được tung hô nhiều nhất và bản thân cô cũng rất tự tin rằng mình sẽ có giải cao. Chính vì thế, khi công bố kết quả top 5 không có tên Hà Anh như “một gáo nước lạnh tát vào mặt” đổ vào cô thí sinh đầy tự tin khi ấy. Dường như không giấu nổi sự bình tĩnh, Hà Anh có hành động quay ngoắt bước vào phía trong khiến ai ai cũng ngỡ ngàng, sững sờ và thất vọng về một hình ảnh đẹp.

Góc khuất sau hào quang Nữ hoàng nhan sắc

Có những đứa trẻ đã phải tiêm boxton vào trán, môi, quanh mắt… để thỏa mãn ước mơ đoạt ngôi hoa hậu nhí của các bậc phụ huynh.

Hình ảnh Hà Anh khi tham gia Hoa hậu Hoàn Vũ 2008.

Sau khoảng thời gian im lặng mà theo Hà Anh là “vì bận rộn với những kế hoạch mới”, cô đã lên tiếng giải thích trên blog cá nhân của mình. Theo đó, hành động “quay lưng ngoảnh mặt” mà mọi người chỉ trích thật ra là một sự hiểu lầm đáng tiếc, vì Hà Anh chỉ làm theo đúng kịch bản của chương trình, còn những thí sinh khác không thuộc kịch bản nên ở lại.

Lý do thứ hai Hà Anh đưa ra cho việc cũng không xuất hiện ở màn chào kết là cô không vui và quá mệt mỏi. Ngoài ra, còn là vì “Hà Anh phải ngồi sau cánh gà để động viên và an ủi một số thí sinh khác. Họ có tâm trạng vô cùng buồn bã, và họ đã khóc rất nhiều.” Dù đã giải thích lý do cho hành động của mình nhưng vẫn nhiều câu hỏi được đặt ra cho Hà Anh, nếu ai cũng muốn bỏ ra sau cánh gà để an ủi thí sinh như Hà Anh thì ai sẽ ra chào các khán giả? Và một cuộc thi Hoa hậu quốc gia khi ấy sẽ “náo loạn” đến mức nào? Nhưng quan trọng nhất, vì sao cô không trở lại khi 20 người đẹp được mời ra sân khấu trao giải cuối cùng?

Kết

Dù chấp nhận hay không thì quả thực những cuộc thi nhan sắc đều tạo bước đệm đặc biệt cho các cô gái ước mơ được vào làng giải trí, được trở nên nổi tiếng hay tìm kiếm cho mình sự nổi tiếng, giàu sang hơn. Ý nghĩa của các chương trình có lẽ chỉ nằm đâu đó ở bản thông cáo báo chí được phát ra. Thậm chí những người tham gia cuộc thi đó cũng không hề quan tâm đến mục đích của cuộc thi là hướng con người đến cái đẹp - chân - thiện - mỹ. Các thí sinh kiếm tìm một giá trị khác, họ kỳ vọng quá nhiều và sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để đạt được điều này. Vì vậy khi không giành giải hoặc giải thưởng không như mong muốn, họ đã có những cách ứng xử xấu xí, mà có lẽ còn thua xa cách ứng xử của một người bình thường.

Giá trị cái đẹp và danh hiệu từ các cuộc thi nhan sắc này dần trở nên mờ nhạt, điều đọng lại trong công chúng là những màn tranh cãi, những trò lố khó có thể chấp nhận được. Xin trích lại một chia sẻ trên mạng ngắn gọn những rất đáng suy ngẫm: "Ngực thì có thể bơm vá được nhưng vẻ đẹp tâm hồn thì không".

http://kenh14.vn/star/ngan-ngam-cach-ung-xu-xau-xi-cua-nguoi-dep-viet-sau-cac-cuoc-thi-20140715112045450.chn

Theo Hu Na/ Trí Thức Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm