Anh K. (38 tuổi) là ứng viên ứng cử đại biểu HĐND cấp phường nơi mình sinh sống trong đợt bầu cử ngày 23/5 tới. Gần đây, người em trai hiện sinh sống tại châu Âu liên tục mời gọi anh K. làm thủ tục nhập quốc tịch để 2 người cùng được hưởng những chính sách ưu đãi tại quốc gia đó.
Anh băn khoăn nếu nhập quốc tịch, mình còn đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND không.
Theo Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, về độ tuổi, công dân Việt Nam từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của pháp luật.
Về lý lịch, họ phải không thuộc những nhóm người sau, theo quy định tại Điều 37 của luật này:
Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực, người đang chấp hành hình phạt tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Người đang bị khởi tố bị can.
Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án.
Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Về quốc tịch, Khoản 1a, Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội và Khoản 1a, Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải là người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp này, nếu anh K. xin thêm quốc tịch của một quốc gia khác, anh sẽ không đủ tiêu chí ứng cử đại biểu HĐND cấp phường nơi mình sinh sống và bị gạch tên khỏi danh sách ứng viên.