Văn phòng nào cũng có một hoặc nhiều nhân viên gây khó dễ cho người khác. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels. |
Dù thích hay không, chúng ta phải thừa nhận rằng mọi văn phòng đều tồn tại những người thích gây khó dễ. Đó có thể là quản lý hay bất kỳ đồng nghiệp nào, với mức độ khó khăn khác nhau.
Trong một số trường hợp, họ ngấm ngầm chỉ trích, đàm tiếu, không công nhận đóng góp hoặc thẳng thừng công kích cá nhân khác trước tập thể. Song, cũng có nhiều người thậm chí không biết những gì mình nói hoặc làm có thể gây bức bối.
Theo Marc Lesser, huấn luyện viên điều hành từng hợp tác với Google và Facebook, thay vì mặc định họ là kiểu người gây rối, chúng ta có thể tiếp cận vấn đề một cách khéo léo, ít gây thiệt hại cho chính mình.
Dưới đây là một số lời khuyên cho bất kỳ ai đang tìm cách xoay xở với những nhân sự thích “làm khó” tại chốn văn phòng, theo CNBC Make It và Indeed.
Chia sẻ chuyện riêng tư hay làm việc thiếu tôn trọng tập thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng mối quan hệ văn phòng. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Nguyên nhân phát sinh xung đột
Bất kể làm việc ở đâu, chúng ta đều có khả năng sẽ gặp phải ít nhất một đồng nghiệp khó phối hợp cùng, dễ là nguồn tạo ra mâu thuẫn.
Dưới đây là một vài lý do phổ biến khiến tình huống trở nên căng thẳng:
Khác biệt quan điểm: Nhiều nhân sự có góc nhìn, hướng tư duy và hành động quá khác biệt với chúng ta. Lúc này, rất khó để tìm ra sự thỏa hiệp phù hợp với cả hai bên.
Chia sẻ quá mức: Một số người thích trò chuyện và chia sẻ thông tin quá đà tại nơi làm việc.
Điều này gây phiền phức cho nhóm nhân viên cần tập trung vào nhiệm vụ hoặc không có nhu cầu giao lưu vấn đề riêng tư.
Chỉ làm việc ở mức tối thiểu: Hầu hết công ty đều có một hoặc hai nhân viên có xu hướng thực hiện ít nhiệm vụ nhất có thể khi làm việc. Hậu quả, đồng nghiệp khác phải làm việc quá mức quy định để bù vào phần năng suất thiếu hụt.
Quá độc lập: Tại công ty, chúng ta thường xuyên phải xử lý dự án theo nhóm. Trong khi đó, số khác chỉ thích làm việc một mình, thậm chí không tôn trọng hoạt động, quy tắc chung. Khi nhân sự chọn hành động quá độc lập, các mối quan hệ và sản phẩm chung có thể bị ảnh hưởng xấu.
Khéo léo, bình tĩnh và dứt khoát là cách ứng xử phù hợp khi trao đổi với kiểu nhân sự "khó nhằn". Ảnh minh họa: Alena Darmel/Pexels. |
Hướng xử lý
Theo Lesser, mọi người nên bình thường hóa những xung đột phát sinh tại nơi công sở bởi không thể tránh né chúng 100%.
Tuy nhiên, dù vấn đề có khó chịu đến đâu, giải pháp hàng đầu là không phớt lờ.
Bất cứ khi nào thấy khó chịu, bạn cần phản ứng trực tiếp và không để tình hình phát triển theo hướng tồi tệ đi.
Kiểm tra phản ứng của bản thân
Đầu tiên, hãy chú ý một chút khi bạn phản ứng với điều gì đó mà đồng nghiệp khó chịu đang làm. Cụ thể, chúng ta phải xác định rõ mình đang không hài lòng điểm gì ở họ (hành vi, lời nói) chứ không nên mặc định người đó đáng ghét ở mọi thứ.
Sau đó, bạn cần dành thời gian để tìm hướng giải quyết khéo léo. Chẳng hạn, bạn bực dọc khi đối phương đi muộn trong ngày hoạt động quan trọng. Thay vì khẳng định họ gây khó dễ trong mọi tình huống, hãy nói rõ bức xúc và yêu cầu họ tôn trọng thời gian chung trong cuộc họp gần nhất.
Thảo luận vấn đề một cách riêng tư
Nếu cảm thấy khó xử khi trao đổi công khai, bạn có thể góp ý cho họ khi trò chuyện riêng tư. Đây cũng là cách xử lý giúp đôi bên không rơi vào trạng thái ngại ngùng, khó xử. Hãy xây dựng nội dung thảo luận trước khi hẹn gặp để đảm bảo cuộc trao đổi diễn ra suôn sẻ, đảm bảo giá trị giải quyết vấn đề.
Cảm thông
Đôi khi, đồng nghiệp thậm chí còn không ý thức được hành vi, lời nói của mình đang khiến người khác tức giận, căng thẳng. Thậm chí, họ có thể bối rối nếu bị “buộc tội”.
Lúc này, điều chúng ta cần làm là chia sẻ cảm xúc, song vẫn phải dứt khoát nói ra vấn đề tồn đọng. Nếu có thể, hãy thẳng thắn đề nghị hỗ trợ họ xử lý rắc rối để nhanh chóng ổn định tình hình.
Báo cáo với cấp trên
Nếu đã thử mọi cách để tự giải quyết xung đột nhưng bất thành, chúng ta cần báo cáo và đề nghị người quản lý trực tiếp giúp đỡ. Phương án này có thể gây ra nhiều phiền hà, chẳng hạn mất thời gian báo cáo hoặc liên đới nhiều bên. Tuy nhiên, đây có thể là giải pháp phù hợp cho một số trường hợp có mức khó xử lý cao.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.