Lo lắng vì thông tin rắn lục đuôi đỏ liên tục xuất hiện và cắn người, chị Nguyễn Kim Chi (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, gia đình chị mấy ngày nay lo lắng, tìm mua sả về trồng xung quanh nhà. Ra chợ, chị thấy mọi người cũng thi nhau mua củ nén và tỏi về giã ra, rắc xung quanh nhà.
Theo lý giải của mọi người thì củ nén, sả và tỏi có chứa nhiều tinh dầu, tiết ra loại mùi cay nên khi ngửi thấy mùi, rắn sẽ tìm cách lẩn tránh ra xa. Tại các chợ ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi... giá các mặt hàng này đã tăng giá, có nơi đắt gấp rưỡi gấp đôi so với trước đây song luôn ở tình trạng "cháy hàng".
Nhiều nơi giá củ nén cao ngất ngưởng vì dân đổ xô đi mua về phòng rắn lục đuôi đỏ. |
Không chỉ các loại củ nhiều tinh dầu được tìm kiếm, bột hùng hoàng cũng đang được cộng đồng truyền tai nhau với khả năng “sát thủ kị rắn”. Chia sẻ trên một diễn đàn, nickname Hoatim79 cho hay, mọi người có thể đến các nhà thuốc Bắc, hỏi mua bột hùng hoàng, tên hóa học là arsenic sulfide.
Đây là loại bột màu vàng cam hoặc lẫn lộn giữa bột màu vàng và màu đỏ. Loại hóa chất này được cho là thuốc kị (đuổi) rắn rất công hiệu. Bột mua về rắc chung quanh nhà, sát vách tường. Khi rắn đánh hơi được mùi hùng hoàng thì chúng sẽ bỏ đi ngay lập tức vì đây là chất độc rất mạnh đối với chúng.
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch Hội Động vật học) xác nhận, củ nén, sả là một trong các biện pháp để phòng tránh rắn. Trong các loại củ này chứa nhiều tinh dầu, tính phong tỏa mùi có khoảng cách 20-30 m. Với mùi lạ, nồng nặc, rắn không đánh được hơi, sợ mà lùi xa.
Vẫn theo tiến sĩ Huỳnh, không chỉ có củ nén, sả mà củ tỏi, trầm thơm hay dầu hỏa… cũng có thể dùng rắc quanh nhà để đề phòng rắn. Đây là các biện pháp rẻ tiền mà hiệu quả. "Quá lo lắng mà mua củ nén với giá nửa triệu đồng/kg là không cần thiết", tiến sĩ Huỳnh cho hay.
Trong khi đó, với bột hùng hoàng, nhà khoa học này khuyến cáo đây là chất hóa học rất độc. Người dân tốt nhất không nên dùng vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
"Tôi chưa thấy ai nói dùng arsenic sulfide để đuổi rắn cả", Chủ tịch Hội Động vật học nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về công dụng của bột hùng hoàng, tiến sĩ Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN) cho biết, đây là một loại quặng trong tự nhiên, gần như ít tan trong nước. Con người nếu ăn phải hay hít phải sẽ ảnh hưởng tới dạ dày, tới các men tiêu hóa. Đặc biệt, người hít phải với số lượng lớn bị ngộ độc.
Vẫn theo tiến sĩ Côn, bột hùng hoàng trước đây thường được các phù thủy thời trung cổ dùng để kị tà như một biện pháp truyền miệng. Để dùng loại bột này phải giã nhỏ, sử dụng bao tay cao su dầy và khẩu trang che mũi, đặc biệt phải tránh gió vì dễ hít phải.
Các chuyên gia cho rằng tốt nhất không nên sử dụng bột hùng hoàng để đuổi rắn. |
“Tốt nhất là không nên sử dụng loại bột này, không biết có đuổi được rắn không nhưng không cẩn thận sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe”, tiến sĩ Côn khẳng định.
Về các biện pháp ứng phó khác, giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng, trong hoàn cảnh rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường, các gia đình cần chú ý dọn dẹp cây cối, phát quang bụi rậm; chú ý tới các khu vực nhà kho, gầm ban, tủ, không nên để những đống rơm rạ sát nhà.
Ngoài ra, do rắn có thói quen hay đi tìm thức ăn về đêm nên người dân không nên ngủ dưới nền đất ẩm, buổi tối nên hạn chế ra ngoài, thường xuyên chú ý tới những khu vực xung quanh bể nước, bồn tắm, máy giặt vì đây cũng là những khu vực mát, rắn thích trú ẩn. Nếu buộc phải đi trong đêm, người dân cố gắng đi ủng, giày cao cổ và quần dài, nên đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ.
Rắn sẽ không cắn nếu con người không tác động đến nó. Khi đối diện với rắn người dân cần hết sức bình tĩnh, nên tìm dụng cụ để xua đuổi.
"Không cần phun thuốc hay hóa chất để diệt. Rắn thường sợ chó vì loài này hay bắt rắn, người dân có thể nuôi thêm chó trong nhà để đề phòng", giáo sư Huỳnh chia sẻ.