Như Tuổi Trẻ đã thông tin, trao đổi với báo chí ngày 26/12, ông Trần Văn Tư nói: “Báo chí, người dân ghi hình cán bộ công chức vi phạm luật giao thông cứ gửi về ban an toàn giao thông và đài truyền hình, tỉnh sẽ có biện pháp xử lý”.
Ghi hình phản ánh khách quan, chứ không được “canh me” hoặc cài bẫy
Theo đại tá Trần Thanh Trà (Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt - PC67 Công an TP HCM):
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc khuyến khích báo chí và người dân ghi lại hình ảnh cán bộ công chức vi phạm luật giao thông để cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan xem xét xử lý, công khai nội dung xử lý.
Riêng trong lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn TP HCM, nếu báo chí và người dân ghi lại hình ảnh cán bộ chiến sĩ sai phạm cứ mạnh dạn gửi đến PC67. Nếu nội dung ghi hình phản ánh khách quan, trung thực, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo mức độ sai phạm.
Hệ thống camera của Công an TP Biên Hòa xác định được người điều khiển xe vi phạm giao thông để trích xuất hình ảnh xử phạm. |
Điều này sẽ giúp cán bộ công chức nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng ngày càng trong sạch.
Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn bởi thời gian qua một số trường hợp đi “canh me” lực lượng cảnh sát giao thông từ những lỗi như hút thuốc hay sai quy trình trong thi hành công vụ.
Đặc biệt có dấu hiệu cài bẫy cảnh sát giao thông nhận hối lộ để ghi hình, sau đó mang đi tống tiền cảnh sát giao thông. Nếu cảnh sát giao thông không chung chi hoặc chung chi ít sẽ cho đăng báo đài hoặc mạng xã hội.
Mặc dù đó là hành động nguy hiểm, tư lợi nhằm dung dưỡng cái xấu, nhưng một số cán bộ chiến sĩ cảm thấy mình cũng có sai phạm nên đôi khi tự thỏa thuận cho “im chuyện”. Với cả hai phía, điều này là không tốt.
Việc trích xuất từ camera sẽ mang lại hiệu quả cao
Nhà báo Tôn Hoàn (Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai) cho hay:
Trong bối cảnh tình hình an toàn giao thông hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tiếp tục đề nghị nhà đài ghi hình cán bộ công chức, người dân vi phạm để có chế tài, xử lý. Đây cũng là một trong nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Cùng với giải pháp này, tôi quan tâm nhiều hơn đến hệ thống camera hầu hết đã lắp đặt tại các vị trí quan trọng của TP Biên Hòa, ghi lại hình ảnh những người vi phạm đã được xử lý như thế nào.
Việc trích xuất hình ảnh phương tiện, người vi phạm để xử lý nghiêm, công tâm theo chỉ đạo của tỉnh sẽ mang lại hiệu quả răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là công chức.
Cần những quy chuẩn về tính pháp lý
Ông Lê Thanh Sơn (Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng) cho biết:
Tôi vừa ký quyết định cho đoàn công tác liên ngành gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đi khảo sát, học tập kinh nghiệm về xử phạt nguội tại một số tỉnh thành đã áp dụng có hiệu quả.
Chúng tôi sẽ lưu ý đề xuất mới đây của Đồng Nai về ghi hình cán bộ vi phạm luật giao thông. Sau khi khảo sát, có báo cáo nghiên cứu sẽ đưa ra những phương án cụ thể phù hợp với đặc thù địa phương.
Tuy nhiên có một vấn đề phải bàn kỹ khi thực hiện xử phạt nguội, đó là tính pháp lý của những hình ảnh, clip do người dân cung cấp.
Đương nhiên cơ quan chức năng luôn khuyến khích người dân cùng tham gia đẩy lùi vi phạm, khuyến khích người dân tố cáo vi phạm, nhưng để những chứng cứ mà người dân cung cấp có tính pháp lý để xử phạt người vi phạm cần phải có những quy định, quy chuẩn cụ thể.
Hà Nội đã áp dụng “phạt nguội”
Trao đổi với Tuổi Trẻ trước việc tỉnh Đồng Nai đề nghị báo chí, người dân ghi hình cán bộ công chức vi phạm luật giao thông để tỉnh có biện pháp xử lý, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nói: “Hà Nội sẽ tìm hiểu cách làm này”.
Ông Hùng cũng cho biết Hà Nội có chủ trương và Công an thành phố Hà Nội đã triển khai việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh, áp dụng hình thức “phạt nguội”.
Cụ thể từ đầu tháng 12/2015, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội đã gửi giấy báo nộp “phạt nguội” vi phạm luật giao thông tới các chủ xe.
Các cán bộ của đội điều khiển đèn tín hiệu theo dõi qua màn hình ở trung tâm, quan sát và lưu lại hình ảnh phương tiện vi phạm tại các tuyến phố, nút giao ở Hà Nội.
Căn cứ trên hình ảnh này, cảnh sát sẽ chụp và gửi kèm theo giấy báo nộp phạt về nhà để chủ phương tiện đến nộp phạt.
Đà Nẵng: Sẽ tiếp nhận hình ảnh vi phạm từ công dân
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, cho biết vừa qua ở Đà Nẵng, việc sử dụng camera ghi hình ở một số điểm để xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông đã được thực hiện khá tốt.
“Như ở cầu Thuận Phước, tất cả xe vi phạm khi qua cầu đều bị camera ghi lại và xử lý nghiêm. Sau khi camera ghi hình xong, chúng tôi đã gửi đến tận nhà cá nhân vi phạm để yêu cầu lên nộp phạt.
Trường hợp cá nhân không đến, đơn vị tiếp tục thông báo trên đài truyền hình và đăng trên báo nhiều lần để yêu cầu người vi phạm tới nộp phạt.
Còn nếu chây ì không chấp hành thì chúng tôi gửi tất cả danh sách xe vi phạm đến hệ thống trung tâm đăng kiểm xe cơ giới quốc gia để khi xe họ đến đăng kiểm thì xử lý, yêu cầu nộp phạt. Chỉ trong một thời gian đã xử phạt số tiền lên đến 400 triệu đồng”.
Theo ông Cường, nếu trường hợp người dân hay nhà báo cung cấp các băng hình, hình ảnh về phương tiện vi phạm giao thông thì Ban An toàn giao thông cũng tiếp nhận để xác minh, phối hợp với các cơ quan chức năng mời các cá nhân vi phạm lên làm việc. Nếu có đầy đủ chứng cứ mới xử phạt được.
Cụ thể hóa quyền giám sát mà pháp luật cho phép
Theo Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM):
Mọi người dân đều có quyền quay phim, chụp hình hay ghi âm một cán bộ viên chức đang thừa hành công vụ.
Việc người dân ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông đang tác nghiệp phải được xem là bình thường, hợp pháp vì người dân đang cụ thể hóa các quyền hiến định mà không ai có quyền ngăn cản.
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai kêu gọi người dân thực hiện quyền giám sát này qua việc quay phim, chụp hình nhằm cung cấp cho lãnh đạo chứng cứ để xử lý các trường hợp cán bộ công chức trong quá trình thực thi công vụ có dấu hiệu sai trái, tiêu cực hay lạm quyền.
Chính quyền nên tuyên truyền pháp luật cho mỗi người dân hiểu rằng thông qua việc quay phim, chụp hình, ghi âm là họ đã cụ thể hóa quyền giám sát mà luật pháp mang lại cho họ.
Qua đó lãnh đạo cũng sẽ có những điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề mà người dân bức xúc, công luận quan tâm.
Tuy nhiên để bảo vệ mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho cơ quan thẩm quyền xử lý cá nhân các công chức - viên chức sai phạm thì người dân nên gửi băng ghi âm, ghi hình đến đúng nơi thẩm quyền là cơ quan chủ quản hay hội đồng nhân dân... hoặc các tổ chức đoàn thể như ủy ban Mặt trận Tổ quốc...
Tránh việc đăng tải và lưu truyền trái phép thông tin lên mạng xã hội.