Trước tình trạng vi phạm an toàn giao thông đang trở nên đáng báo động trong xã hội, thì đây là một giải pháp cần thiết để đẩy lùi những cái chết đau lòng, lập lại kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực này.
Thực tế, cùng với các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác, hệ thống camera giám sát giao thông giúp phát hiện, xử lý tại các “điểm nóng” vi phạm giao thông đã được các tỉnh thành đầu tư lắp đặt.
Nhiều cấp ủy Đảng, cơ quan, ban ngành nhà nước dùng kết quả giám sát này để xử lý cán bộ công chức. Nhưng hiệu quả đến đâu và xử lý thế nào gần như không được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, năm 2015 qua việc khai thác các thiết bị kỹ thuật như máy đo tốc độ, nồng độ cồn, cân tải trọng xe, máy ảnh, hệ thống camera giám sát đã kiểm tra, xử lý 426.483 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, không có số liệu về việc xử lý đối với những cán bộ công chức vi phạm.
Còn báo cáo sơ kết ba năm thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác đảm bảo an toàn trật tự giao thông tại Đồng Nai lại cho thấy chỉ có... một cán bộ chiến sĩ vi phạm trong việc tuần tra giao thông phải chuyển công tác khác.
Một lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai cho biết, lãnh đạo tỉnh đã từng cho phép ghi hình xe biển số xanh, xe của cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an vi phạm giao thông - nghĩa là không có “vùng cấm” trong việc xử phạt. Nhưng kết quả thì sao?
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, từ tháng 5/2014 khi hệ thống camera giám sát được đưa vào sử dụng, hình ảnh vi phạm giao thông của cán bộ công chức đã được trích xuất gửi về các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nhưng việc phản hồi, xử lý ra sao với những người vi phạm thì rơi vào... im lặng!
Vậy nên, mấu chốt của vấn đề vẫn là các tổ chức Đảng, các cơ quan đơn vị nhà nước có kiên quyết thực hiện giải pháp mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đưa ra hay không?
Bản thân ông phó bí thư tỉnh ủy khi “đặt hàng” các nhà báo và người dân ghi hình cán bộ phạm luật sẽ phải có những cơ chế giám sát, quy trình xử lý tiếp theo thế nào để không xảy ra chuyện “nước chảy bèo trôi”?
Việc ghi hình cán bộ công chức vi phạm Luật giao thông nếu được xử lý và công khai trên các phương tiện truyền thông, chắc chắn sẽ tạo được lòng tin của người dân và sẽ được đông đảo nhân dân giám sát.
Như cách nói của Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Tư: “Mình là công chức, là đảng viên, muốn xử lý người ta thì mình phải giữ lấy mình”. Vâng, mong rằng nói được thì phải làm cho được.